Cá có tác dụng trừ đờm, bổ phế hỗ trợ điều trị bệnh phổi, viêm phế quản.
Cá quả là tên gọi của người miền Bắc. Còn tùy từng vùng mà gọi: cá lóc (miền Nam), cá chuối (miền Trung), ngoài ra còn có tên cá hoa, cá sộp...
Theo Đông y, cá quả có vị ngọt, tính bình, (có sách tính hàn) không độc. Có tác dụng khử thấp, trừ phong, tiêu thũng, tư âm, sinh tân dịch, bổ gân xương tạng phủ, dùng tốt trong trường hợp về bệnh phổi vì có tác dụng trừ đàm, bổ phế, bồi bổ sau ốm dậy, phụ nữ sau các phẫu thuật phụ khoa, bổ khí huyết.
Cá quả dễ hấp thu có thể nấu với đậu đen bổ can thận, với đậu xanh, với địa cốt bì trị chứng nóng âm ỉ trong gân xương, là thức ăn tốt cho trường hợp kiêng mỡ vì bản thân cá ít mỡ.
Chữa trĩ ra máu: Cá quả 1 con (ướp tỏi, hành, gia vị vừa đủ, chiên cá), bạch cập 5g. Nấu canh ăn.
Chữa thận hư nhiễm mỡ phù nề: Cá quả 1 con, làm sạch nấu với 200g đậu đỏ cho nhừ. Ăn trong ngày.
Lương huyết tiêu thũng, trừ thấp lợi thủy: Cá quả 1 con, đậu đỏ 50g, bí đao 200g, đường phèn 30g. Nước vừa đủ nấu bắt đầu bằng lửa to cho sôi, rồi bớt lửa hầm nhừ cho đậu nở. Chia làm 2 lần ăn trong ngày.
Thanh nhiệt, tiêu thũng: Cá quả 1 con, đậu đỏ 50g, vỏ bí đao 30g, cho vỏ bí đao vào bụng cá rồi nấu với đậu đỏ đã nấu chín sau 30 phút là được.
An thần, ích trí, tiêu thũng: Cá quả 1 con, thịt nạc 120g, long nhãn 6g, táo đỏ 6g, rượu 20g, muối, hành, gừng, chiên cá, thịt heo thái, nước vừa đủ. Nấu nhừ ăn nóng.
Chữa thấp nhiệt ở bàng quang, đái dắt: Cá quả 1 con, giá đỗ 200g, cà chua, me, gia vị vừa đủ. Nấu canh ăn.
Cháo cá diếc có tác dụng trị viêm đại tràng.
Bổ nguyên khí, thông tiểu: Cá quả 1 con, đông quỳ tử 24g, hồng sâm 9g, hoài sơn 30g, sinh hoàng kỳ 30g, cho đông quỳ tử, hồng sâm thái phiến vào túi vải. Nước vừa đủ. Nấu lửa nhỏ trong 40-60 phút. Dùng sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, sức khỏe yếu.
An thần, sinh tân nhuận phế, kiện tỳ, dưỡng trí, phòng chữa thâm quầng mắt, chữa mất ngủ, tăng huyết áp, chóng mặt, nhức đầu: Cá quả 1 con, táo đỏ 10g, táo tây 2 quả, gừng tươi, gia vị, dầu thực vật. Cá chiên gừng cho thơm. Táo tây gọt bỏ vỏ, thái miếng. Nấu chín, cho gia vị, ăn nóng.
Dưỡng huyết chữa đái ra máu do tỳ hư: Thịt cá, lá tỏi cắt đoạn, nêm gia vị nấu chín mềm.
Trị lao phổi suy nhược: Cá quả, táo đỏ 3g, gừng tươi. Nấu canh ăn.
Cá diếc được Đông y sử dụng làm thuốc chữa bệnh từ lâu với tên thuốc là tức ngư, tên khoa học là Carassus auratus L. Theo Đông y, cá diếc có vị ngọt nhạt, tính ấm, không độc. Tác dụng bổ tỳ, vị, hành thủy, tiêu thũng, chỉ khát, làm se, sát khuẩn... được dùng trong các trường hợp sau:
Chữa viêm phế quản mạn: Thịt cá diếc sấy khô 50g, bột bán hạ 3g, bột gừng sống 3g, trộn đều. Uống với nước ấm.
Chữa viêm loét dạ dày: Bong bóng cá diếc rửa sạch sao giòn tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g hòa với nước ấm.
Chữa tiểu đường: Cá diếc 1 con, làm sạch, lá chè non 20-30g rửa sạch cho vào bụng cá, bọc giấy nhiều lần quanh cá, đem nướng chín cá, tán nhỏ chia ra làm nhiều lần uống trong ngày với nước ấm.
Chữa viêm đại tràng: Cá diếc 1 con, gạo tẻ 50g. Hầm mềm với gạo thành cháo, thêm gia vị, hành, rau thơm, ăn nóng.
Chữa viêm túi mật: Lấy mật cá diếc uống với rượu.
Chữa viêm gan vàng da: Cá diếc 1 con, làm sạch, bỏ ruột, nướng qua, sau cho rau má, lá mơ vào hấp chín ăn.
Thuốc bổ huyết và dưỡng da: Cá diếc 1 con, câu kỷ tử 12g, hoàng kỳ 12g, gừng sống 3 lát, hành, giấm, đường, hạt tiêu, rượu vang. Hầm nhừ ăn.
Trị tăng huyết áp: Cá diếc 1 con, đánh vảy, bỏ mang, ruột, rửa sạch, bột mẫu lệ 12g, ướp cá với gia vị, gừng tươi, 1 ít rượu trắng, hành khô, bột mẫu lệ trong 20-30 phút. Thêm đậu phụ, rau cải xanh, nước dùng (có thể dùng nước luộc gà) vừa đủ, nấu thành canh. Ăn hàng ngày.
Chữa động thai, đầy bụng, buồn nôn, nhức mỏi tay chân: Sa nhân 3g, cá diếc 1 con, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Cá diếc làm sạch, cho sa nhân vào trong bụng rồi kho nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng.
Cá trắm đen còn gọi là thanh ngư, là loài cá nước ngọt, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ thận khí, mạnh tỳ dưỡng vị, bình can sáng mắt, hóa thấp, khứ phong, lợi thủy.
Cá trắm đen rất thích hợp với những người tỳ vị hư nhược, mất sức, phù nề, viêm gan, thận, tê thấp.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, 100g thịt cá trắm đen có 19,5g đạm, 5,2g chất béo, các khoáng canxi, photpho, sắt, vitamin là nguồn dưỡng chất cho cơ thể nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, phòng chống cảm cúm.
Cảm gió, cảm lạnh, nhức đầu: Cá trắm đen 1 con làm sạch, nấu gần chín thì cho hành, mùi tươi, đun sôi lại rồi lấy ăn nóng cho ra mồ hôi.
Đau đầu, ngạt mũi, đau mình mẩy: Thịt cá trắm đen 150g, gừng tươi 25g, rượu gạo 100g, nước. Nấu sôi rồi cho cá, gừng, rượu vào hầm 30 phút nêm gia vị. Ăn nóng.
Lạnh bụng, chán ăn: Trắm đen 250g, sa nhân 6g, sinh khương 6g. Ninh kỹ, ăn cá uống canh, bỏ bã.
Khí huyết kém, suy nhược sau ốm: Cá trắm đen 250g, hoàng kỳ 25g, đương quy 12g. Nấu canh ăn cá uống nước, bỏ bã thuốc.
Cảm nắng, viêm phế quản, khô họng, ho có đờm, tiểu tiện sẻn: Cá trắm đen 120g, mướp 500g, gừng tươi 3 lát. Cá thái miếng ướp gừng muối xào với mướp, nêm gia vị vừa đủ ăn nóng với cơm.
Theo suckhoedoisong