Các vấn đề về giấc ngủ thường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng đau đầu vào buổi sáng. Dưới đây là phân loại những cơn đau đầu buổi sáng, nguyên nhân gây ra và cách đối phó mà bạn nên biết.
1. Các phân loại đau đầu vào buổi sáng phổ biến
Đầu tiên, để có cách đối phó giảm đau đầu sau khi thức dậy nhanh nhất bạn cần nhận biết được loại đau đầu mà bạn gặp phải là gì. Những cảm giác đau nhức đầu khác nhau sẽ chỉ ra những vấn đề sức khỏe khác nhau.
Có 3 loại đau đầu mà bạn thường gặp phải vào buổi sáng:
- Đau nửa đầu: Loại đau đầu này thường có cảm giác đau nhói khó chịu và thường kèm theo buồn nôn, chóng mặt.
- Đau đầu do căng thẳng (Tension-type headaches): Là tình trạng đau gây ra bởi sự co thắt các cơ vùng da đầu, mặt hay cổ tạo ra cảm giác áp lực, căng và bóp chặt xung quanh đầu với mức độ đau từ nhẹ tới nặng. Khi người bệnh rơi vào tình trạng căng thẳng hay lo lắng kéo dài, các cơ này sẽ trở nên căng cứng tạo cảm giác đau nhức.
Có nhiều loại đau đầu mà bạn có thể gặp phải khi thức dậy (Ảnh: Internet)
Loại đau đầu này mang tính chu kỳ thường kéo dài tới 2 tuần trong 1 tháng hoặc 6 tháng/1 năm.
- Đau đầu từng cơn (Cluster headaches): Là loại đau đầu xảy ra theo chu kì hoặc theo từng cụm phổ biến nhất trong khoảng 20-40 tuổi. Nếu bạn cảm thấy đau dữ dội ở một bên đầu rồi nhanh chóng biến mất và sau đó quay trở lại dữ dội hơn thì có thể bạn đang bị đau đầu từng cơn.
Hiện tượng này cũng phổ biến sau khi thức dậy và kéo dài từ 15 phút - 4 giờ.
- Đau đầu trong giấc ngủ (Hypnic headaches): Là loại đau đầu hiếm gặp, phổ biến hơn ở nhóm trên 50 tuổi. Cơn đau đầu xảy ra khi bạn đang chìm trong giấc ngủ sâu và nó "đánh thức" bạn dậy.
2. Nguyên nhân khiến bạn thường xuyên đau đầu vào buổi sáng
- Mất ngủ
Mất ngủ có thể gây ra những ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn, bao gồm thiếu ngủ. Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau đầu vào buổi sáng, đặc biệt là đau nửa đầu. Có nhiều cách để điều trị chứng mất ngủ. Nhưng về cơ bản, bạn cần trao đổi với bác sĩ để kiểm tra và theo dõi kiểu ngủ của bạn từ đó đưa ra chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Các biện pháp điều trị mất ngủ thường là dùng tâm lý trị liệu, thay đổi lối sống sinh hoạt, dùng thuốc,...
- Trầm cảm hoặc lo lắng
Nghiên cứu cho thấy các rối loạn tâm trạng và cơn đau nửa đầu thường xảy ra cùng nhau, nguy cơ sẽ tăng lên đáng lể nếu một trong hai yếu tố này phát triển. Nói cách khác, nếu tần suất một người bị đau nửa đầu càng cao thì họ càng có nhiều khả năng gặp phải các rối loạn tâm trạng và ngược lại.
Nghiên cứu cho thấy các rối loạn tâm trạng và cơn đau nửa đầu thường xảy ra cùng nhau (Ảnh: Internet)
Hơn nữa, tình trạng sức khỏe tâm thần suy giảm cũng có thể dẫn tới mất ngủ - làm tăng tình trạng đau đầu vào buổi sáng.
Để giải quyết tình trạng này, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về sức khỏe tâm thần để có các liệu pháp kiểm soát và giảm nhẹ như dùng thuốc, biện pháp trò chuyện,.. Kiểm soát tốt vấn đề trầm cảm hay căng thẳng sẽ giúp giảm tỷ lệ đau đầu vào buổi sáng.
- Ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ
Giấc ngủ bị gián đoạn do ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạn thức dậy vào buổi sáng bị đau đầu. Ngáy có thể là một tình trạng độc lập hoặc là triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ khiến bạn bị ngừng thở nhiều lần trong đêm và thông thường thì cơn đau đầu liên quan tới chứng ngưng thở khi ngủ sẽ kéo dài khoảng 30 phút với biểu hiện là đau dồn dập hai bên đầu. Cơn đau sẽ biến mất trong vòng 4 giờ.
- Nghiến răng
Một số nhà nghiên cứu cho răng nghiến răng ban đêm khi ngủ có thể gây ra cơn đau đầu do rối loạn ở khớp thái dương hàm khi nghiến. Cơn đau đầu này thường âm ỉ và cảm nhận rõ nhất ở khu vực gần thái dương.
Bên cạnh đau đầu âm ỉ thì người nghiến răng thường xuyên còn có thể bị đau ở hàm hoặc mặt, cơ hàm mỏi, răng nhạy cảm, đau tai không rõ nguyên nhân,...
- Căng cơ cổ
Đôi khi cơn đau đầu vào sáng sớm có thể là kết quả của tình trạng căng cơ ở cổ. Bạn sẽ cần đánh giá lại tư thế ngủ của mình và độ cao thấp của gối để giảm bớt cơn đau đầu vào sáng sớm này.
Đôi khi cơn đau đầu vào sáng sớm có thể là kết quả của tình trạng căng cơ ở cổ (Ảnh: Internet)
- Uống rượu
Đau đầu sáng sớm có thể là kết quả của việc uống rượu vào đêm hôm trước khiến giấc ngủ gián đoạn hay cảm giác nôn nao vào sáng hôm sau cùng một cơn đau đầu dữ dội.
Ngoài ra do rượu làm cơ thể bạn mất nước rất nhiều - và, mất nước cũng góp phần gây ra đau đầu (kể cả là ban ngày hay ban đêm).
- Thuốc
Một số loại thuốc có thể cản trở giấc ngủ của bạn dẫn tới gián đoạn giấc ngủ và đau đầu vào sáng sớm. Các loại thuốc cần lưu ý bao gồm thuốc benzodiasepin trong điều trị giấc ngủ,.. Lạm dụng thuốc cũng có thể là một nguy cơ gây đau đầu sau khi thức dậy. Nói cách khác, nếu bạn sử dụng thuốc giảm đau quá thường xuyên để giảm cơn đau nhức đầu thì bạn cũng có nguy cơ gặp các cơn đau đầu tồi tệ hơn.
- Rối loạn nhịp sinh học
Nhịp sinh học được biết đến nhiều nhất có lẽ là chu kì ngủ thức. Một báo cáo cho biết, trong số người bị đau đầu thì có tới 82% có cơn đau đầu lúc 2 giờ sáng. Theo Healthline, sự rối loạn hoặc thay đổi nhịp sinh học có thể góp phần gây ra các cơn đau nửa đầu và đau đầu từng cơn.
Để giảm nguy cơ này bạn nên duy trì lịch trình ngủ và thức đều đặn bằng cách đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm trong ngày, biết được nhu cầu ngủ của mình là bao nhiêu tiếng mỗi đêm (chẳng hạn 6 - 8 tiếng/đêm đối với người trưởng thành), giữ cho môi trường ngủ yên tĩnh và thoải mái, giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử ngay trước khi đi ngủ,...
- Bạn đã ngủ quá nhiều
Ngủ quá nhiều đặc biệt là ngủ quá nhiều liên tục trong thời gian dài cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng đau đầu vào buổi sáng với biểu hiện choáng váng khi thức dậy. Lý do chính xác của mối liên hệ này vẫn chưa được kết luận nhưng các nhà khoa học cho rằng điều này là do sự gián đoạn nhịp sinh học tự nhiên và đường dẫn truyền thần kinh trong não của bạn.
Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là bạn nên khôi phục lại nhịp sinh học của mình. Ngoài ra, ngủ quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm hoặc một trạng thái bệnh lý tiềm ẩn, nên liên hệ với bác sĩ về các triệu chứng bất thường để có can thiệp sớm.
Ngủ quá nhiều đặc biệt là ngủ quá nhiều liên tục trong thời gian dài cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng đau đầu vào buổi sáng (Ảnh: Internet)
- Khối u
Đôi khi sự xuất hiện của một khối u não có thể khiến họ bị đau đầu vào buổi sáng. Mặc dù tỷ lệ này rất thấp - nếu như nhức đầu sáng sớm là triệu chứng duy nhất. Cần thăm khám bác sĩ nếu có các triệu chứng thần kinh khác kèm theo bao gồm: Co giật, buồn nôn hoặc nôn mửa, liệt hoặc tê cứng, khó khăn khi nói/phát âm, tính cách thay đổi, cáu kỉnh hơn,...
Ngoài ra một số tình trạng sức khỏe khác cũng có thể gây nhức đầu vào sáng sớm như tăng huyết áp, các bệnh về xương khớp.
3. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Thường thì những cơn đau đầu vào buổi sáng sẽ biến mất bằng một số thay đổi. Dựa vào nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu khi thức dậy buổi sáng là gì sẽ có những biện pháp điều trị tương ứng. Thay đổi lối sống cũng đóng vai trò quan trọng để giảm cơn đau nhức đầu, đặc biệt là cơn đau nửa đầu.
Quy tắc SEEDS do Tổ chức Đau nửa đầu Hoa Kỳ khuyến nghị để kiểm soát cơn đau đầu:
+ S (Sleep) - Ngủ: Duy trì lịch ngủ - thức đều đặn với môi trường ngủ đảm bảo
+ E (Excercise) - Luyện tập: Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe nói chung và giảm tần suất cũng như cường độ của những cơn đau nửa đầu
+ E (Eat) - Ăn: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm uống đủ nước và ăn đủ các nhóm chất quan trọng
+ D (Diary) - Nhật kí: Ghi lại về các thời điểm cơn đau đầu xuất hiện, mức độ nghiêm trọng và hành vi trước đó để giúp bác sĩ chẩn đoán dễ dàng hơn
+ S (Stres) - Căng thẳng: Giảm căng thẳng bằng các bài tập thiền định, yoga. Kiểm soát tốt căng thẳng giúp bạn có tâm trí thoải mái hơn và giảm nguy cơ đau nhức đầu liên quan tới căng thẳng.
|
Bạn cần thăm khám sớm nếu có bất kì dấu hiệu nào dưới đây:
- Nhức đầu dữ dội kèm cứng cổ, sốt, buồn nôn hoặc nôn
- Đau đầu sau chấn thương vùng đầu
- Đau đầu kèm theo lẫn lộn, suy nhược, tầm nhìn đôi hoặc mất ý thức
- Cơn đau đầu thay đổi đột ngột về tần suất, cường độ và vùng đau
- Đau đầu kèm theo tê yếu các chi
- Đau đầu kèm theo co giật hoặc khó thở.
Châu Anh/Nguồn: Healthline