leftcenterrightdel
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Tiêm chủng được coi là một trong những câu chuyện thành công nổi bật nhất của nhân loại, giúp cứu sống hàng triệu người trên thế giới.

Việc tìm ra các loại vaccine phòng bệnh chính là giải pháp tin cậy hóa giải nhiều thách thức dịch bệnh. Tuy nhiên, sau quá trình dài nỗ lực với những tiến bộ đáng kể, chương trình tiêm chủng nói chung trên toàn cầu đang bị trật nhịp, lệch hướng trong những năm qua khi đại dịch COVID-19 hoành hành, gây nhiều gián đoạn và đáng lo ngại nhất là sự giảm tốc trong chương trình tiêm chủng trẻ em, những chủ nhân tương lai của thế giới.

Năm 1798, vaccine đậu mùa đầu tiên được tìm ra, kể từ đó, hàng trăm loại vaccine đã được phát triển. Trong hơn 200 năm qua, vaccine đã giúp chống lại gần 30 căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Lợi ích của tiêm chủng đang ngày càng mở rộng đến thanh thiếu niên và người lớn, bảo vệ con người trước những bệnh nguy hiểm thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành.

Sau khi cướp đi mạng sống của khoảng 30 triệu người trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa đã được ngăn chặn nhờ vaccine. Bệnh bại liệt từng ám ảnh nhiều gia đình có trẻ nhỏ cũng đã dần bị xóa sổ kể từ sau khi có vaccine.

Trước khi vaccine ra đời vào năm 1963, bệnh sởi đã khiến gần 2,6 triệu người tử vong mỗi năm, chủ yếu là trẻ em. Đến năm 2021, con số này giảm xuống còn 128.000 người.

Thế giới cũng vừa mới được trở lại nhịp sống bình thường sau đại dịch COVID-19 nhờ những mũi tiêm phòng giúp tăng khả năng bảo vệ người dân trước dịch bệnh, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Theo ước tính của Liên hợp quốc, việc tiêm phòng vaccine giúp cứu khoảng 4,4 triệu mạng sống mỗi năm.

Con số này có thể tăng lên 5,8 triệu vào năm 2030 nếu hoàn tất các mục tiêu của Liên hợp quốc đề ra để không ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, tiêm chủng giúp bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bệnh tật ngay từ đầu đời, đóng vai trò quan trọng khiến ngày càng nhiều trẻ em được sống khỏe mạnh hơn, kéo dài tuổi thọ.

Dù vậy, báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về vấn đề tiêm chủng trẻ em cho thấy khoảng 67 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã bỏ lỡ một phần hoặc toàn bộ các mũi tiêm vaccine phòng nhiều căn bệnh trong giai đoạn 2019-2021 khi các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe gián đoạn. Trong đó, có tới 12 triệu trẻ em ở vùng Đông và Nam châu Phi.

Thực trạng này gần như xóa bỏ hầu hết những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng trẻ em vốn đã rất khó khăn mới đạt được trong suốt 10 năm trước đó.

Trong số 67 triệu em đó, 48 triệu em hoàn toàn bỏ lỡ các mũi tiêm chủng định kỳ, làm dấy lên lo ngại sẽ có những đợt bùng phát bệnh bại liệt và bệnh sởi trong tương lai. Trong giai đoạn 2019-2021, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng sởi giảm từ 86% xuống 81% và số ca bệnh sởi năm 2022 tăng gấp đôi so với năm 2021. Số ca trẻ bị bại liệt năm ngoái cũng tăng 16% so với năm 2021, còn nếu so giai đoạn 2019-2021 với 3 năm trước đó thì tốc độ tăng số ca bại liệt là 8 lần. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở trẻ giảm tại 112 quốc gia và tỷ lệ trẻ được tiêm chủng trên toàn cầu giảm xuống 81%, thấp nhất từ năm 2008.

Giám đốc phụ trách các chương trình tiêm phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Kate O’Brien cảnh báo khi tỷ lệ tiêm phòng giảm 5% trong đại dịch, nguy cơ mắc các bệnh có thể gây tử vong ở trẻ cũng sẽ tăng ít nhất là 5%.

Châu Phi và Nam Á chứng kiến xu hướng giảm mạnh nhất. Một nửa trong tổng số 20 quốc gia đứng đầu thế giới về số trẻ em chưa được tiêm mũi vaccine phòng bất kỳ loại bệnh nào (0 mũi vaccine) tập trung ở châu Phi. Năm 2021, châu lục này có 12,7 triệu trẻ em tiêm chủng chưa đầy đủ, cao nhất trong nhóm các châu lục, trong đó 8,7 triệu trẻ chưa được tiêm mũi nào.

Giới chức y tế cũng cảnh báo về tình trạng giảm tỷ lệ tiêm chủng ở châu Âu, với hơn 1 triệu trẻ ở khu vực gồm 53 quốc gia này đã bỏ lỡ các mũi tiêm. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Việt Nam có gần 250.000 trẻ em bỏ lỡ một hoặc nhiều liều tiêm vaccine, với 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vaccine nào trong năm 2021.

Cũng theo báo cáo của UNICEF, niềm tin của người dân dành cho việc tiêm chủng cũng giảm ở 52 trong tổng số 55 quốc gia được khảo sát. UNICEF cảnh báo nguy cơ từ tâm lý do dự với vaccine đang tăng.
leftcenterrightdel
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa bệnh sởi cho trẻ em tại Caracas, Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Dù ở thời điểm cam go nhất của đại dịch COVID-19, sự ra đời của vaccine được ví như ánh sáng cuối đường hầm, hiệu quả của chương trình tiêm phòng đã từng bước được chứng minh, nhưng những sợ hãi vô căn cứ, thông tin sai lệch về tất cả các loại vaccine vẫn lan truyền như virus.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cảnh báo nếu để niềm tin với các chương trình tiêm chủng định kỳ trở thành nạn nhân tiếp theo của đại dịch, nguy cơ tử vong ở nhóm trẻ em mắc các căn bệnh có thể phòng ngừa như sởi, sẽ rất cao.

Mặc dù các số liệu sơ bộ về tiêm chủng năm 2022 có những dấu hiệu phục hồi, nhưng để chương trình tiêm chủng toàn cầu trở lại đúng lộ trình tiến bộ như trước đại dịch là thách thức không hề nhỏ. Chưa kể tỷ lệ tiêm phòng giảm còn có thể do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng khác, từ biến đổi khí hậu tới mất an ninh lương thực, số lượng các cuộc xung đột tăng, kinh tế phát triển chậm lại ở nhiều nước...

Theo Liên hợp quốc, các chính phủ cần khẩn trương xác định và đảm bảo mọi trẻ nhỏ được tiêm chủng, đặc biệt là nhóm trẻ bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng trong thời gian đại dịch hoành hành, ưu tiên các dịch vụ tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe đầu đời, xây dựng các hệ thống y tế bền vững thông qua đầu tư phát triển lực lượng nhân viên y tế nữ, điều hướng những nguồn lực có sẵn cho các chương trình tiêm phòng COVID-19 hiện nay cho những quỹ củng cố dịch vụ tiêm chủng và đầu tư cho các hệ thống bền vững cho mọi trẻ em....

Nhân Tuần lễ tiêm chủng thế giới 2023 (tuần cuối cùng của tháng Tư), Liên hợp quốc cũng triển khai chiến dịch "The Big Catch-up" (Bắt kịp) với sự tham gia của WHO, UNICEF, Liên minh vaccine Gavi, Quỹ Gates.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng trong bối cảnh hàng triệu trẻ em và thiếu niên đã bỏ lỡ các mũi tiêm chủng “cứu cả cuộc đời,” số ổ dịch nguy hiểm tăng, việc giúp chương trình tiêm chủng toàn cầu lấy lại nhịp độ, bắt kịp tốc độ cần thiết là ưu tiên hàng đầu. Chiến dịch tập trung đặc biệt vào nhóm 20 quốc gia có 3/4 tổng số trẻ em bỏ lỡ các mũi tiêm chủng trong năm 2021.

Theo bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam, với kinh nghiệm trong việc triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng toàn dân lớn nhất chống lại dịch COVID-19, Việt Nam có nền tảng tốt thể giải quyết nhanh chóng tình trạng chậm cung ứng vaccine hiện nay và nhanh chóng tiêm bổ sung cho những trẻ chưa được tiêm chủng.

Tiêm chủng là một trong những "chìa khóa" để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 3 mà Liên hợp quốc đề ra về “đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và ngày càng hạnh phúc cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi." Do đó, tiêm chủng cần được đặt vào vị trí trọng tâm của cam kết hành động tập thể, bởi đây là lá chắn phòng vệ tin cậy chống dịch bệnh nhằm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn và bền vững hơn cho tất cả./.

Theo vietnamplus