Các phát hiện này được công bố trên tạp chí Nature Communications, theo dõi sức khỏe của gần 280.000 người tham gia, hầu hết ở độ tuổi 70 trở lên. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người đã được tiêm vaccine phòng bệnh zona có tỷ lệ đau tim và đột quỵ do nhiễm virus, thấp hơn so với những người không được tiêm phòng.
Bệnh zona là một bệnh nhiễm virus gây ra bởi sự tái hoạt động của virus varicella zoster (cùng loại virus gây bệnh thủy đậu). Nhiễm trùng gây phát ban đau đớn, thường phát triển ở một bên cơ thể.
Hơn nữa, nhiễm trùng có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim trong tháng đầu tiên sau khi virus varicella zoster được tái hoạt động. Các nhà nghiên cứu cho biết, nguy cơ đột quỵ cao hơn tới 2-3 lần nếu virus tái phát ở dây thần kinh mắt.
Theo đó, vaccine có thể làm giảm tới 50% nguy cơ đột quỵ và đau tim trong 42 ngày đầu tiên sau khi mắc bệnh zona, giai đoạn "có nguy cơ" đối với những biến cố này.
TS. James Mbinta, Đại học Victoria Wellington, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, nếu vaccine có hiệu quả chống lại bệnh zona, điều đó có nghĩa là nó gián tiếp bảo vệ chống lại đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Nghiên cứu cho thấy bệnh zona có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ, do đó việc tiêm phòng trở nên quan trọng.
1. Tại sao bệnh zona có liên quan đến đau tim và đột quỵ?
Theo các nhà khoa học, mặc dù vẫn chưa biết chính xác lý do tại sao bệnh zona có liên quan đến cơn đau tim và đột quỵ, nhưng tình trạng viêm nhiễm có thể liên quan đến các nguy cơ này.
Bất kỳ căn bệnh cấp tính nào, chẳng hạn như bệnh zona, đều có thể tạo ra trạng thái viêm nhiễm cao trong cơ thể. Nếu tình trạng viêm này, gây viêm trong thành động mạch, có thể làm mất ổn định các mảng bám hiện có và dẫn đến đông máu.
Cơn đau tim xảy ra khi dòng máu mang oxy đến cơ tim bị tắc nghẽn. Trong hầu hết các trường hợp, nó xảy ra khi một mảng xơ vữa động mạch (sự tích tụ lipid và các chất khác trong động mạch) trên thành động mạch vành bị vỡ ra và hình thành cục máu đông, làm tắc nghẽn động mạch trong cơ tim.
Mặc dù đột quỵ có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau nhưng phổ biến nhất là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Đây là khi cục máu đông di chuyển đến não và làm gián đoạn lưu lượng máu và làm não mất oxy. Có thể việc ngăn ngừa bệnh zona bằng tiêm chủng, sẽ bảo vệ hệ thống động mạch bằng cách tránh tình trạng quá tải viêm nhiễm do bệnh gây ra ở một số người, các nhà khoa học cho biết.
Một khả năng khác là virus gây bệnh zona có khả năng xâm nhập trực tiếp vào động mạch và tạo ra những thay đổi bất lợi cục bộ ở đó, có thể dẫn đến mất ổn định mảng bám. Virus varicella zoster có khả năng di chuyển vào thành động mạch thông qua các sợi thần kinh. Nếu vaccine có thể ngăn chặn sự tái hoạt động của virus trong dây thần kinh, thì nó có thể ngăn chặn sự lây lan sang mô mạch máu.
Một nghiên cứu năm 2022 của Bệnh viện Brigham and Women's cũng cho thấy, bệnh zona có liên quan đến nguy cơ mắc một biến cố tim mạch lớn cao hơn gần 30% về lâu dài, như đột quỵ hoặc đau tim. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nguy cơ gia tăng có thể tồn tại từ 12 năm trở lên sau khi bị nhiễm trùng.
2. Ai nên tiêm vaccine phòng zona?
CDC khuyến nghị những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên, nên tiêm hai liều vaccine shingrix để ngăn ngừa bệnh zona và các biến chứng liên quan.
Tuy nhiên những người có tiền sử phản ứng phản vệ với các thành phần của vaccine không nên dùng.
Theo TS. Mbinta, mũi tiêm này an toàn đối với người có tiền sử bệnh tim và đột quỵ. Ông cho biết: Vaccine này có hiệu quả ngay cả đối với những người mắc bệnh tim, bệnh thận, bệnh phổi tắc nghẽn và người bị đột quỵ. Vì vậy, ngay cả đối với những người đã bị đột quỵ, việc tiêm vaccine vẫn rất hữu ích.
Theo suckhoedoisong.vn