Với phương châm đưa các khái niệm về tâm lý, tâm thần đến với nhiều người đọc nhất có thể, dù trong sách hay tại các cuộc giao lưu, trò chuyện cùng báo chí, bạn đọc, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Toàn luôn dùng cách diễn đạt dễ hiểu để chia sẻ.

Sau 2 tác phẩm Tâm bệnh học (xuất bản năm 2020, tái bản năm 2021) và Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM-5 (xuất bản năm 2021, tái bản năm 2022), tiến sĩ, bác sĩ Phạm Toàn tiếp tục giới thiệu cuốn sách mới nhất - Tâm lý học trẻ em. Ở cuốn sách dày hơn 1.000 trang này, ông ghi lại những chi tiết thuộc về tiến trình phát triển của trẻ trên cả hai mặt thể chất và tinh thần đã được y học hiện đại nghiên cứu và khảo sát trong suốt các thập niên gần đây. Chứng “nghiện” điện thoại thông minh ở trẻ, chăm sóc sức khỏe của trẻ sau đại dịch, những kỹ năng cần thiết cho trẻ độ tuổi dậy thì… cũng được ông “gỡ vướng” bằng sự thân tình.

Là bác sĩ tham vấn, trị liệu tâm lý tâm thần, nguyên Trưởng khoa Tâm lý trị liệu, Trung tâm Sức khỏe tâm thần Hamilton Madison New York (Mỹ), tiến sĩ, bác sĩ Phạm Toàn từng nhận được giải thưởng chuyên viên danh dự phục vụ cộng đồng của tổ chức quốc tế Chamberlain Foundation (Welcome Back Awards) khu vực Mỹ - Canada trong năm 2006…

Trị liệu tâm lý tại Việt Nam còn nhiều hạn chế về đội ngũ chuyên viên và sự tham gia hợp tác của người bệnh

Phóng viên: Điều gì thôi thúc ông viết và xuất bản những quyển sách về tâm lý, tâm thần tại Việt Nam?

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Toàn: Tôi may mắn được học ngành tâm lý, tâm thần tại Mỹ và làm nghề trong rất nhiều năm. Thời gian hành nghề, trong số các khách hàng của tôi, có khoảng 20% là người Việt Nam. Và trong số những khách hàng ấy, có một số người lớn tuổi khá hạn chế khi phải giao tiếp bằng ngoại ngữ. Tôi băn khoăn liệu có cách nào để họ hiểu những gì mình nói.

Bên cạnh đó, tôi nhận ra ở Việt Nam từ xưa đến nay có không ít tiểu thuyết phân tích về tâm lý nhưng đó không phải là tâm lý nhìn ở góc độ học thuật hóa. Các đầu sách mang tính chuyên môn viết ở góc dễ tiếp cận với số đông người đọc hiện rất ít và thiếu tính hệ thống.

Do đó, sau nhiều năm suy nghĩ và tìm cách, tôi bắt đầu viết sách để mọi người có thể cùng đọc. Cuốn đầu tiên tôi viết là Tâm bệnh học xuất bản tại Mỹ. Nhờ cuốn sách này, một số anh chị tại Việt Nam biết và mời tôi về làm việc. Trước COVID-19, tôi vẫn đi về và làm việc giữa Việt Nam - Mỹ. Ngoài viết sách hay làm tham vấn, tôi còn mở những lớp ngắn hạn cùng Trường đại học Y Dược TPHCM, Trường đại học Y Dược Huế…

5 cuốn sách tôi viết về tâm lý, tâm thần được xuất bản tại Việt Nam được độc giả cũng như người trong nghề đón nhận là niềm khích lệ cho tôi.

* So với các nước phát triển, ông nhận thấy mức độ quan tâm về các vấn đề tâm lý, tâm thần của người Việt hiện nay ra sao?

- Khoảng 10 năm trở lại đây, người Việt rất quan tâm đến vấn đề tâm lý, tâm thần. Qua những lần tiếp xúc với đồng nghiệp và sinh viên đang theo học ngành này, tôi nhận thấy các em rất quan tâm và chịu khó đào sâu. Tuy nhiên, ở mức độ nào để ngành tâm lý, tâm thần hoạt động sâu sát tiếp cận với đông đảo người thật sự cần thì rất khó để chia sẻ.

Tôi mạn phép chia sẻ những gì tôi biết về ngành này tại Mỹ. Từ 50, 60 năm nay, người Mỹ rất quan tâm đến vấn đề tâm lý, tâm thần. Y khoa đã rất phát triển và đạt được nhiều thành tựu trong việc chữa trị những căn bệnh về cơ thể người. Thế nhưng, về vấn đề tâm lý, tâm thần còn cần rất nhiều sự nghiên cứu.

Nhờ sự quan tâm đó, Chính phủ Mỹ đã dành nhiều công sức, tiền của để thiết lập các trung tâm chữa trị tâm lý, tâm thần dành cho người dân yếu thế, người nghèo để họ được chữa trị miễn phí. Vì vậy, người dân rất sẵn sàng tìm đến chia sẻ, chữa trị. Nếu họ hợp tác tốt với những người chữa trị thì vấn đề của họ sẽ được giải quyết tốt hơn.

Riêng ở Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính nên hiếm có những trung tâm hỗ trợ người có vấn đề tâm lý, tâm thần một cách vô vụ lợi. Điều này đôi khi trở thành rào cản đối với nhiều người trong việc chữa trị vấn đề của họ. Nhiều khi họ cố gắng trả tiền một lần để tìm hiểu vấn đề đang gặp phải rồi rút lui. Ngoài vấn đề này, còn nhiều khía cạnh khác nữa.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Toàn trò chuyện cùng báo chí
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Toàn trò chuyện cùng báo chí

* Có những loại chấn thương tâm lý nào, thưa ông? Và đâu là dấu hiệu nhận biết chúng?

- Hiểu một cách tổng quát, chấn thương tâm lý đến từ những nguồn, khía cạnh khác nhau. Có những chấn thương tâm lý do thiên nhiên gây ra như động đất, bão lụt, chiến tranh… Người ta mất nhà cửa, mất thân nhân, tâm lý sẽ chấn thương. Có người vượt qua nhanh chóng nhưng cũng có người từ biến cố đó mà chịu chấn thương tâm lý suốt đời.

Tuy nhiên, trầm trọng hơn là những chấn thương tâm lý do con người gây ra. Chẳng hạn bị bạo hành, bắt nạt, lạm dụng tình dục, ngược đãi, mất việc, học hành thi cử không đỗ đạt như ý muốn, thất bại trong kinh doanh, chuyện tình cảm không suôn sẻ… sẽ dẫn đến những chấn thương sâu đậm, khó quên hơn như trầm cảm, ám ảnh tâm lý, thậm chí có xu hướng cực đoan là tự tử.

Dấu hiệu để nhận biết một người chấn thương tâm lý ở mức độ nào và ở khía cạnh gì thì phải nhìn vào hành vi, cách ứng xử của họ. Chẳng hạn họ luôn cảm thấy buồn rầu, không thích thú với công việc, mất năng lực, suy nghĩ tiêu cực và trầm trọng hơn là tuyệt vọng, tự hủy hoại cơ thể. Cũng cần lưu ý, có người dù chịu chấn thương nhẹ nhưng lại bị ảnh hưởng nặng hơn những người có sức mạnh để vượt qua mà không cần chữa trị.

* Trong sự nghiệp tham vấn, trị liệu, ông thường gặp bệnh nhân bị tổn thương do nguyên nhân nào?

- Tôi thường gặp nhất là các trường hợp bị bạo hành, bắt nạt hoặc gặp việc không như ý. Những người có tâm lý yếu đuối khi mất việc, thi cử không như ý hoặc gặp trục trặc tình cảm thường dễ tìm đến hướng giải quyết có tính tiêu cực như tự tử hoặc tự hủy hoại bản thân (cắt tay, chân…). Với những trường hợp này, cần có sự can thiệp kịp thời của việc trị liệu.

Hiện tại, vấn đề chấn thương tâm lý trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức - ẢNH: INTERNET
Hiện tại, vấn đề chấn thương tâm lý trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức - Ảnh: Internet

Cần phản ứng nếu bị người khác gây tổn thương

* Người trẻ hiện đại có vẻ dễ mắc phải các vấn đề tâm lý hơn (rối loạn lo âu, trầm cảm, tự tổn thương bản thân, thậm chí tự tử). Có phải trước tốc độ đô thị hóa, con người càng chịu nhiều áp lực và trở nên mong manh hơn?

- Điều này rất dễ hiểu. Trước ảnh hưởng của cuộc sống đô thị hóa, mọi thứ diễn ra cực kỳ nhanh, con người sinh hoạt trong điều kiện rắc rối, phức tạp hơn nhiều nên dẫn đến những sức ép về tâm lý, tâm thần. Người trẻ hiện tại sống nhanh hơn, vội hơn, khác với cuộc sống ít chao đảo, chen lấn của thời trước.

Không chỉ người trẻ, người lớn, ngay cả trẻ em cũng vậy. Không phải cứ có đủ điều kiện sống tốt đẹp thì sẽ ít bị trầm cảm hơn cuộc sống nghèo nàn ở thôn quê. Và cũng không có nghĩa cuộc sống nghèo nàn ở thôn quê lại ít gây ra những đau buồn, lo lắng, tổn thương tâm lý như cuộc sống ở đô thị. Do đó, mỗi người cần có những phương pháp thích ứng, biết cách giải quyết các vấn đề ập đến để tránh những sức ép của cuộc sống hiện tại.

* Đối với người bị tổn thương tâm lý, đặc biệt là người có dấu hiệu cực đoan như tự làm tổn thương bản thân hay có xu hướng tự tử, người thân xung quanh có thể làm gì để giúp đỡ họ?

- Tại Mỹ, nếu người có vấn đề tâm lý, tâm thần mà không muốn chữa trị thì bất kỳ ai cũng không được ép buộc họ. Nhưng nếu họ có hành vi muốn hủy hoại bản thân hay làm hại người khác thì bắt buộc phải đi chữa trị.

Tại Việt Nam, tôi không rõ có như vậy hay không. Thiển ý của tôi là nếu mình biết bạn bè hay trong gia đình có người đang gặp vấn đề tâm lý, tâm thần mà không muốn chữa trị thì nên tôn trọng sự lựa chọn của họ. Tuy nhiên, nên có những cách để theo dõi mức độ, tình trạng tâm lý, tâm thần của họ. Trong lời nói và ứng xử hằng ngày, cố gắng quan tâm, ân cần, giúp đỡ, xoa dịu họ, thể hiện sự đồng cảm hoặc gợi ý cho họ cách thoát ra khỏi những điều đó. Chẳng hạn, điều gì là tích cực trong cuộc sống của họ thì cần khuyến khích phát huy, điều gì là tiêu cực nên tránh… Nhờ vậy, chúng ta sẽ có những cư xử phù hợp để giúp họ trấn tĩnh trở lại.
 

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Toàn: ý tặng độc giả
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Toàn ký tặng độc giả

* Có những cá nhân gây tổn thương cho người khác nhưng không hề ý thức được điều đó. Làm thế nào để biết rằng ta đang gây tổn thương tâm lý, tinh thần cho người khác, đặc biệt là những áp lực nhân danh yêu thương?

- Người tiếp nhận cần phản ứng đúng lúc, đúng môi trường để giải quyết vấn đề.

Đối với trẻ em, trong quyển Tâm lý học trẻ em, tôi đề cập nhiều đến việc nuôi dạy con cái, cách để phụ huynh hiểu được con cái. Nếu nói ở đây thì khá dông dài, tôi mong thầy cô, phụ huynh tìm đọc. Chúng ta giúp trẻ thì giúp ngay từ đầu.

Thời đại hiện nay, dù là phương Tây hay phương Đông đều không chấp nhận giáo dục bằng roi vọt vì nhiều trường hợp cho thấy dùng roi dễ dẫn đến việc lạm dụng và gây tổn thương trẻ. Thông thường, trẻ bị hành hạ về cơ thể sẽ không tiếp thu được gì từ lời dạy của người lớn.

Thay vào đó, trẻ cần được hướng dẫn cụ thể, chu đáo để phát triển dần về đời sống tinh thần và nhận thức. Đương nhiên, mỗi đứa trẻ có khả năng khác nhau, từ yếu tố về di truyền, điều kiện sống; do đó, tùy theo tính khí từng trẻ mà có sự giáo dục khác nhau.

Ông bà ta có câu: “Dạy trẻ từ lúc lên 3” nhưng tôi nghĩ vậy là hơi trễ. Thực tế, trẻ 6, 7 tháng đã có thể tương tác với người thân, cho nên cần dạy trẻ từ sớm. Ở giai đoạn 1, 2 tuổi, trẻ thường có xu hướng vị kỷ, ví dụ trẻ có đồ chơi thường ôm lấy chơi một mình và chưa biết chia sẻ với bạn thì mình phải tập dần để trẻ hiểu và phát triển được cử chỉ tốt đẹp.

Cũng có một số cá nhân dù đã là người trưởng thành nhưng thiếu kiến thức hoặc không ý thức rõ về các cách hành xử đúng đắn. Do đó, nếu gặp người có lối hành xử sai trái, không thích hợp, người xung quanh nên phản ứng theo cách nào đó cho phù hợp với tình huống để cho họ nhận biết. Phản ứng này không gây tổn thương nhưng giúp họ hiểu rằng họ đang gây ra những tác động không thích hợp với người xung quanh. Nếu mình không có phản ứng vì lý do nào đó (nể nang, bị lệ thuộc, hoặc muốn phớt lờ) thì sẽ không xây dựng được gì. Ví dụ trong gia đình, người chồng hay văng tục mà người vợ không phản ứng, anh ta sẽ thấy điều này là bình thường.

Cần nâng cao sức khỏe tâm lý, tâm thần cho trẻ nhỏ

* Liệu trẻ em có thể nhận thức được rằng chúng đang bị tổn thương không, thưa ông?

- Có những đứa trẻ khi bị bạo lực hoặc lạm dụng tình dục vì sợ hãi đối tượng gây ra hoặc có thể do ảnh hưởng văn hóa khép kín của người Á Đông (sợ cha mẹ không tin; người gây tổn thương có quan hệ họ hàng, bạn bè hoặc cảm thấy xấu hổ) sẽ không dám chia sẻ. Tuy nhiên, những chấn thương này sẽ khiến đứa trẻ nhớ suốt đời. Cũng có những trường hợp sự ức hiếp không gây chấn thương tâm lý nặng nề cho đứa trẻ nhưng cũng nên hiểu rằng những biến cố đó sẽ không bao giờ mất đi trong ký ức trẻ.

Người làm tham vấn, trị liệu và cả người thân cần khích lệ, tạo cho trẻ sự tin tưởng và mạnh dạn để trẻ biết chia sẻ và thổ lộ bất cứ vấn đề nào trẻ cảm thấy cần thiết. Việc nói ra sẽ giúp giải tỏa tâm lý rất nhiều cho người nói, giúp họ trút bỏ một phần gánh nặng đang đè nén trong lòng.

* Những tổn thương tinh thần trong quá khứ có thể trở thành rào cản tâm lý trong tương lai đứa trẻ như thế nào, thưa ông?

- Với trường hợp này, nên đề cập đến từng cá nhân thay vì đề cập đến mọi người vì có người vượt qua được nỗi đau tinh thần cũng có người dù tổn thương không lớn nhưng chẳng bao giờ vượt qua được. Theo thống kê, phần lớn những đứa trẻ bị ức hiếp và trưởng thành trong bạo lực, khi lớn lên sẽ có khuynh hướng bạo lực; một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong khu vực tệ nạn xã hội cũng có xu hướng trở nên như vậy nhưng không có nghĩa mọi người đều như vậy. Tính khí của một con người, về sau là nhân cách, chịu ảnh hưởng không chỉ của môi trường sống mà còn phụ thuộc vào di truyền và giáo dục.

* Có những phương pháp trị liệu nào dành cho người bị tổn thương tâm lý ngoài tham vấn, chia sẻ?

- Tùy theo mức độ tổn thương. Phương pháp đầu tiên, phổ biến nhất: với người trầm cảm nặng ở trạng thái tinh thần suy nhược, không ăn ngủ được, cần chữa bằng vài loại thuốc để tinh thần họ thoải mái, ngủ được. Trong lúc đó, áp dụng tâm lý trị liệu để làm việc với họ. Để làm được điều này, người làm tâm lý trị liệu phải có kiến thức sâu. Thứ hai, kinh nghiệm làm việc của người cần được trị liệu để khai thác vấn đề của họ. Thứ ba, nghệ thuật để giữ được bệnh nhân, để mối quan hệ giữa người tham vấn và người được trị liệu là tin tưởng và chấp nhận nhau.

Trong quan hệ đó còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, họ không đủ tiền để tiếp tục trị liệu, họ đi xa hoặc họ không tin tưởng người trị liệu.

Từ thực tiễn trị liệu, tôi còn nhận ra một vấn đề. Nhiều khi chấm dứt trị liệu, đối tượng vẫn chưa cảm thấy hài lòng trong cuộc trị liệu này. Song, vài năm sau, họ lại cảm thấy những việc đã chia sẻ cùng người tham vấn lại có hiệu quả. Nó khác với việc chữa trị các vấn đề trực tiếp bằng thuốc. Đó là do mình nói nhưng họ chưa làm hoặc chưa làm đúng. Chia sẻ điều này, tôi muốn khẳng định rằng với vấn đề trị liệu các chấn thương tâm lý, tâm thần, rất khó để nói là hoàn toàn thành công hoặc hoàn toàn thất bại. Chính sự tế nhị đòi hỏi người làm công tác tham vấn phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm.

* Tại sao ở Việt Nam, vấn đề chấn thương tâm lý trẻ em lại bị phớt lờ?

- Câu hỏi này rất khó trả lời. Đây chỉ là phỏng đoán của tôi: phụ huynh thường quan tâm đến các vấn đề vật chất như ăn uống, vui chơi, tiện nghi trong nhà hơn chú ý đến tâm lý, tâm thần. Là vì ta không có điều kiện về môi trường, cơ sở để giúp đỡ những cá nhân này. Có thể người ta thấy không làm gì được nên đành phớt lờ.

Điều đáng mừng là hiện nay, tầm quan trọng của các lĩnh vực tâm lý, tâm thần ngày càng được quan tâm. 

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Theo phụ nữ TPHCM