|
Khách du lịch đặt nến bên ngoài trung tâm mua sắm Siam Paragon ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 4/10, theo sau vụ việc tay súng 14 tuổi bắn chết 2 người nước ngoài. |
Mối nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng
Thủ phạm vụ tấn công ở Bangkok được xác định là một thiếu niên 14 tuổi, có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Vụ việc chết người buộc Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cam kết đưa ra các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho mọi khách du lịch ở Thái Lan.
Tiến sĩ Varoth Chotpitayasunondh - bác sĩ tâm thần và người phát ngôn của Cục Sức khỏe tâm thần, Bộ Y tế công cộng Thái Lan - cho biết, các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên như căng thẳng, trầm cảm và tự tử ngày càng gia tăng kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông Varoth tiết lộ, từ ngày 12/2/2022 - 2/10/2023, đã có 278.358 người từ 18 tuổi trở xuống thực hiện bài kiểm tra sức khỏe tâm thần của Bộ Y tế Thái Lan. Trong đó, gần 50% có kết quả sức khỏe tâm thần không tốt, với 10,24% có nguy cơ bị trầm cảm và 17,68% có khuynh hướng tự tử.
Nghiên cứu quốc gia về sức khỏe tâm thần và hạnh phúc do Cục Thống kê Úc công bố ngày 5/10 cho thấy, gần 2/5 người Úc trong độ tuổi từ 16-24 từng bị rối loạn tâm thần trong vòng 12 tháng qua. Nghiên cứu đánh giá 16.000 người Úc trong độ tuổi từ 16-85 về 3 nhóm rối loạn tâm thần: lo lắng, rối loạn cảm xúc và sử dụng chất gây nghiện. Tiến sĩ Ruth Vine - Phó giám đốc y tế về sức khỏe tâm thần của Bộ Y tế và Chăm sóc người cao tuổi Úc - nhận định: những người trẻ tuổi có tỉ lệ rối loạn tâm thần cao nhất trong dân số nói chung.
|
Tỉ lệ rối loạn tâm thần ngày càng tăng trong giới trẻ là một hiện tượng mang tính toàn cầu - Nguồn ảnh: Alamy |
Cụ thể, ở nhóm đối tượng từ 16-24 tuổi, 38,8% bị rối loạn tâm thần trong vòng 12 tháng qua, với tỉ lệ 45,5% ở nữ giới và 32,4% ở nam giới. Khả năng tự làm hại bản thân và có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử cũng cao hơn ở nhóm phụ nữ trẻ. Giáo sư Maree Teesson - Giám đốc Trung tâm Matilda tại Đại học Sydney (Úc) - cho biết, tỉ lệ rối loạn tâm thần ngày càng tăng ở giới trẻ là một hiện tượng toàn cầu do 3 xu hướng lớn: nỗi lo biến đổi khí hậu, chi phí sinh hoạt tăng và sự phá vỡ các kết nối xã hội.
Vào năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) thông tin hầu hết thanh thiếu niên tại Mỹ coi lo lắng và trầm cảm là vấn đề tâm thần của họ. Điểm số, vẻ ngoài, khả năng hòa nhập, tài chính gia đình là những áp lực mà giới trẻ thường xuyên phải đối mặt.
Sự giúp đỡ từ gia đình và xã hội
Theo tiến sĩ Varoth, gia đình đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Sự quan tâm từ người thân có thể giúp ngăn ngừa bạo lực xảy ra. Ông giải thích các dấu hiệu cần chú ý bao gồm sự thay đổi trong lời nói và thể chất như nói tục, chửi bậy, tự làm hại bản thân hoặc làm tổn thương người khác. Các triệu chứng dễ dàng trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến ảo giác, ảo tưởng và hoang tưởng. Tiến sĩ Varoth kết luận: “Các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể tự phát triển. Nếu gia đình không giao tiếp với thanh thiếu niên, họ khó lòng bộc lộ hết những tình cảm chất chứa bên trong”.
Ở khía cạnh khác, xã hội vẫn là chỗ dựa cần thiết cho thanh thiếu niên. Mắc chứng trầm cảm từ năm 15 tuổi, Raven (Singapore) không ngại việc phải ở trong cơ sở điều trị dành riêng cho thanh thiếu niên có nguy cơ tự tử hoặc tự làm hại bản thân. Hiện đã 27 tuổi, Raven rất phấn khích sau khi chính phủ thông báo vào ngày 5/10 rằng một cơ sở phục vụ thanh thiếu niên như nơi cô từng đến sẽ được đưa vào Chiến lược chăm sóc sức khỏe và sức khỏe tâm thần quốc gia.
Trung tâm này sẽ cho phép người trẻ tá túc giữa một môi trường an toàn và không bị kỳ thị trong tối đa 6 tháng. Một nhóm bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, nhân viên xã hội, nhân viên và y tá sẽ trực tiếp chăm sóc thanh thiếu niên có nguy cơ tự tử, nhằm giải quyết các nguyên nhân cơ bản trước khi họ về nhà. Tuy nhiên, chi phí chăm sóc sức khỏe khi lưu trú tại trung tâm vẫn là mối băn khoăn lớn. Raven nhận xét: “Ngay cả đối với những người trưởng thành đang đi làm, việc chi trả có thể quá tốn kém. Tôi hy vọng đây là chương trình được trợ cấp nhiều hoặc thậm chí miễn phí cho thanh thiếu niên”.
Theo phụ nữ TPHCM