Tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá qua da có thể gây nguy hiểm
Cập nhật lúc 23:55, Thứ tư, 09/11/2022 (GMT+7)
Rủi ro của việc hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc từ người khác còn có thể đến từ bụi khói thuốc lá lắng đọng trên bề mặt quần áo, bàn ghế.
Mọi người gần như đều đã biết về những rủi ro của việc hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc từ người khác. Thế nhưng, mối nguy hiểm còn có thể đến từ phần bụi khói thuốc lá lắng đọng trên các bề mặt như quần áo, bàn ghế.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những chất cặn này có thể lưu lại trên quần áo tiếp xúc với khói thuốc trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nếu không được giặt sạch. Đồng thời, chúng có khả năng khuếch tán trở lại không khí, đặc biệt là ở môi trường trong nhà.
Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí eBioMedicine đã xem xét 10 người không hút thuốc lá, từ 22-45 tuổi, và phát hiện ra rằng khói thuốc còn sót lại trên quần áo có thể làm tăng các chỉ dấu sinh học liên quan đến chứng viêm, tương tự như cơ chế hình thành các bệnh về da.
Cụ thể, 10 người được yêu cầu mặc quần áo bị ám khói thuốc trong ba giờ và vận động 15 phút mỗi giờ để tăng cường trao đổi chất. Sau khi lấy mẫu máu và nước tiểu, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các dấu hiệu sinh học cho thấy tổn thương ô-xy hóa đối với DNA đã tăng cao. Các thay đổi về nồng độ protein trong máu cũng được phát hiện. Hơn nữa, các thay đổi tồn tại đến 22 giờ sau khi tiếp xúc với bụi khói thuốc.
Mặc dù không có tình nguyện viên nào mắc các bệnh về da như viêm da tiếp xúc và bệnh vảy nến, nhóm tác giả nói rằng tác hại gây ra cho da có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe sâu hơn. Thành viên nhóm tác giả, nhà sinh vật học tế bào Prue Talbot từ Đại học California, Riverside (Mỹ) giải thích: “Nếu bạn mua một chiếc ô tô đã qua sử dụng thuộc sở hữu của một người hút thuốc, bạn đang đối mặt với một số rủi ro về sức khỏe. Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn ở trong phòng khách sạn mà trước đó đã có người hút thuốc”.
Theo phụ nữ TPHCM