Lấy mẫu xét nghiệm những người ở cùng khu vực với bệnh nhân Covid-19 - NGUYÊN MI
Thông tin trên được Sở Y tế TP.HCM cho biết theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san Annals of Internal Medicine của nhóm nhà khoa học tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Nghiên cứu còn cho biết, người mắc Covid-19 không triệu chứng có khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc gần là 0,3%. Tỷ lệ này tăng lên 3,3% nếu bệnh ở mức độ nhẹ, 5,6% nếu bệnh ở mức độ trung bình và 6,2% nếu bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 3.410 người có tiếp xúc gần với 391 trường hợp mắc Covid-19 trong thời gian từ ngày 13.1-6.3.2020. Dữ liệu về thiết lập phơi nhiễm, xét nghiệm RT-PCR và các đặc điểm lâm sàng của các trường hợp mắc bệnh (F0) và các trường hợp nhiễm bệnh thứ phát được thu thập và phân tích.
Trong số 3.410 người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, có 127 người bị nhiễm thứ phát (tương đương 3,7%). Trong số 127 người này, có 8 người (6,3%) không có triệu chứng. Trong số 119 trường hợp có triệu chứng, có 20 ca (16,8%) được xác định là nhẹ, 87 ca (73,1%) là trung bình và 12 ca (10,1%) là nặng hoặc nguy kịch.
So với tỷ lệ bị virus SARS-CoV-2 tấn công thứ phát từ người mắc bệnh (F0) trong bối cảnh hộ gia đình (10,3%) thì tỷ lệ tấn công thứ phát thấp hơn do tiếp xúc gần trong bối cảnh tại các cơ sở y tế (1%) và trên các phương tiện giao thông công cộng (0,1%).
Tỷ lệ lây nhiễm tăng theo mức độ nghiêm trọng của các trường hợp mắc Covid-19, từ 0,3% đối với mắc không có triệu chứng sẽ tăng lên 3,3% đối với người mắc bệnh ở mức độ nhẹ, 5,6% đối với người mắc bệnh ở mức độ trung bình và 6,2% đối với các trường hợp nặng hoặc nguy kịch.
Các trường hợp tiếp xúc gần với người bị nhiễm Covid-19 có khạc đờm thì nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn so với các trường hợp không có đờm (13,6% so với 3%).
Theo thanhnien