Theo đó, uống nhiều cà phê giúp giảm đến 33% tỷ lệ tử vong sớm do mọi nguyên nhân và giảm đến 54% tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch so với những người không uống cà phê.
Và đối với người ngồi nhiều, uống cà phê có thể giảm được hậu quả của việc ít vận động, giúp kéo dài tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tô Châu (Trung Quốc) đã xem xét tác động của việc ngồi nhiều hằng ngày và việc tiêu thụ cà phê đối với tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và do mọi nguyên nhân.
Các tác giả đã kiểm tra dữ liệu của 10.639 người từ cuộc Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia của Mỹ (NHANES).
Trong 13 năm theo dõi, đã có 945 trường hợp tử vong, trong đó có 284 trường hợp là do bệnh tim mạch.
Riêng về tác hại của việc ngồi nhiều, kết quả cho thấy ngồi hơn 8 giờ mỗi ngày làm tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân lên 46% và tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đến 79% so với ngồi ít hơn 4 giờ mỗi ngày, theo BMC Public Health.
Đặc biệt, người trên 65 tuổi, nếu ngồi nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày sẽ có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn đáng kể - đến 70%, nhất là phụ nữ béo phì.
Riêng về tác dụng của cà phê, nghiên cứu đã phát hiện ra điều kỳ diệu là những người uống nhiều cà phê nhất đã giảm đến 33% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và giảm đến 54% tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch so với người không uống cà phê.
Ngay cả những người uống ít cà phê cũng giảm nguy cơ tử vong so với người không uống.
Đáng chú ý, các phân tích chung cho thấy uống cà phê kết hợp ngồi ít hơn 6 giờ mỗi ngày giúp giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân đến 1,6 lần so với ngồi từ 6 giờ trở lên và không uống cà phê, theo BMC Public Health.
Điều này có nghĩa là cà phê đặc biệt phát huy tác dụng nếu bạn cố gắng ngồi ít hơn 6 giờ mỗi ngày.
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), chỉ nên uống tối đa 3 - 4 tách cà phê mỗi ngày. Đồng thời, cần theo dõi tác động của caffeine đối với cơ thể để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo Thanh niên