Đức hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với người đến từ Trung Quốc

Chính phủ Đức ngày 22.2 cho biết nước này không còn yêu cầu những người đến từ Trung Quốc phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành, theo hãng tin Tân Hoa xã.

Kể từ ngày 22.2, Trung Quốc “không còn được phân loại là 'khu vực có nhiều biến thể đáng lo ngại, trong đó một biến thể đáng lo ngại đặc biệt có nguy cơ xuất hiện'”, Viện Robert Koch (RKI) của Đức, nơi chuyên nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, cho biết trong một tuyên bố.

Tình hình Covid-19 ngày 23.2: WHO vẫn khuyến nghị đeo khẩu trang - Ảnh 1.

Một người đi bộ trên đường phố Bắc Kinh

REUTERS

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) đồng ý chấm dứt yêu cầu này vào cuối tháng 2, các quốc gia trong khối đang lần lượt hủy bỏ chính sách áp đặt đối với người đến từ Trung Quốc. Vì các thành viên EU không đạt được nhất trí về các quy định bắt buộc trong lĩnh vực vận tải hàng không chở khách từ Trung Quốc, nên chính sách sẽ khác nhau tùy theo quốc gia.

Trung Quốc vừa khôi phục hoạt động du lịch theo nhóm cho du khách đến 20 quốc gia, bao gồm Thái Lan, Maldives, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Hungary và Thụy Sĩ. Đức chưa nằm trong số các điểm đến này.

Theo Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài của Trung Quốc (COTRI), số chuyến du lịch nước ngoài của quốc gia này dự kiến sẽ tăng từ 170 triệu vào năm 2019 lên 228 triệu vào năm 2030.

WHO vẫn kiên định với khuyến nghị đeo khẩu trang

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục khuyến nghị mọi người nên đeo khẩu trang chất lượng cao để ngăn chặn sự lây lan của vi rút corona, bất chấp một nghiên cứu gây tranh cãi được công bố gần đây đặt câu hỏi về hiệu quả của chúng.

Trong một cuộc họp báo ngày 22.2, bác sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, nói rằng với việc vi rút vẫn đang lưu hành, khẩu trang vẫn là một công cụ thiết yếu để ngăn ngừa lây nhiễm.

"Tôi nhắc lại rằng việc sử dụng khẩu trang tiếp tục là một phần trong chiến lược của chúng tôi nhằm giảm thiểu sự lây lan... Chúng ta có một chiến lược dựa trên tiêm chủng, giãn cách càng nhiều càng tốt trong cuộc sống của mình, đeo khẩu trang vừa vặn khi ở gần những người khác - đặc biệt là trên phương tiện giao thông công cộng và chắc chắn là giữa các nhân viên y tế", bà nói, theo San Francisco Chronicle.

Tháng trước, mạng lưới nghiên cứu Cochrane đã công bố một phân tích về 78 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát kéo dài nhiều năm, bao gồm 6 thử nghiệm được thực hiện trong đại dịch Covid-19, và kết luận rằng việc đeo khẩu trang “tạo ra rất ít hoặc không tạo ra sự khác biệt” so với việc không đeo khẩu trang ở nhân viên y tế. Bà Van Kerkhove cho rằng nghiên cứu này không mang tính kết luận.

Gần 11% người trưởng thành ở Mỹ bị "Covid kéo dài"

Theo dữ liệu mới từ Cục Điều tra Dân số Mỹ được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) công bố hôm 22.2, tỷ lệ người trưởng thành đang có các triệu chứng "Covid kéo dài" (long Covid) đã giảm. Cụ thể, tỷ lệ này vào tháng 2 ở mức 10,8%, giảm mạnh so với mức 18,9% vào tháng 6.2022, theo San Francisco Chronicle.

Theo Khảo sát trực tuyến House Pulse của các cơ quan này, tỷ lệ người trả lời cho biết họ đang gặp phải các hạn chế về hoạt động do Covid kéo dài cũng đã giảm xuống còn 4,8% trong tháng 2, so với mức 5,9% hồi tháng 9 năm ngoái.

Theo ước tính, 53,8% người Mỹ trưởng thành đã mắc Covid-19 ít nhất một lần tính đến tháng này, tăng so với mức 40,3% hồi đầu tháng 6 năm ngoái.

Theo Thanh niên