Khủng hoảng phát triển ở trẻ em

Báo cáo của Save the Children (trụ sở tại Anh) lưu ý thêm rằng, nếu xu hướng thấp còi hiện nay vẫn tiếp diễn thì sau 7 năm nữa, mỗi giây thế giới sẽ đón nhận 1 trẻ sơ sinh bị còi cọc. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng thiếu lương thực hoặc suy dinh dưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tăng trưởng, gầy còm và các vấn đề liên quan đến thiếu cân ở trẻ em.

leftcenterrightdel
Chương trình cung cấp sữa miễn phí được triển khai từ tháng 11/2023 tại Kuala Lumpur, Malaysia trong nỗ lực giảm tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em - Nguồn ảnh: Straits Time 

Bên cạnh đó, việc thai phụ không được cung cấp đủ dưỡng chất cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh con còi cọc. Thấp còi gây tổn hại đến sự tăng trưởng ở trẻ em, đồng thời có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực suốt đời, khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn, gây tổn hại đến sự phát triển thể chất và nhận thức của trẻ.

Các quốc gia ở khu vực châu Phi cận Sahara dự kiến sẽ gánh chịu tác động nặng nề nhất từ tình trạng trẻ em thấp còi trong giai đoạn 2023-2030, với 86 triệu trường hợp. Theo sau đó là khu vực Nam Á với 67 triệu trường hợp. Riêng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ có gần 22 triệu trẻ em thấp còi. 

Công cụ Child Atlas cũng chỉ ra rằng, dự kiến hơn 50% số trường hợp suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ sinh ra trong 7 năm tới sẽ từ 40% hộ gia đình nghèo nhất. Tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở riêng nhóm trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm đều đặn kể từ năm 2000, xuống còn 148,1 triệu trẻ vào năm 2022. Dù vậy, thế giới vẫn chưa đạt được các mục tiêu do WHO đề ra nhằm đưa con số đó về mốc 100 triệu trẻ vào năm 2025, tiến tới xóa bỏ mọi tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2030.

Pakistan và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) nằm trong số 4 quốc gia phải đối mặt với mức độ trẻ thấp còi cao nhất trong 7 năm tới, giữa lúc hơn 25% dân số của họ hiện đang phải đối mặt với nạn đói. Trận lũ lụt trên diện rộng ở Pakistan vào tháng 8/2022 đã nhấn chìm 1/3 diện tích đất nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của 33 triệu người, trong đó có 1/2 là trẻ em.

Khoảng 3,8 triệu héc ta cây trồng bị phá hủy và hơn 1,1 triệu vật nuôi chết. 1 năm sau, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Pakistan đã tăng 50% và ước tính có khoảng 44% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi. Giá thực phẩm tăng cao ở cả khu vực thành thị và nông thôn khiến an ninh lương thực luôn là vấn đề căng thẳng đối với nhiều hộ gia đình Pakistan.

Chậm tăng trưởng do chế độ ăn uống kém

Một người mẹ ở Kuala Lumpur (Malaysia) - cô Mimi Abdullah - rất lo lắng về sự phát triển của con trai, vì cậu bé là một trong những học sinh nhỏ con nhất trong lớp. Người phụ nữ 45 tuổi cho biết: “Con tôi 9 tuổi, nhưng một số người cho rằng nó chỉ tầm 6-7 tuổi”. Cô nói, dù con trai cô có cảm giác thèm ăn, cậu bé có xu hướng ăn đồ ăn nhanh và tiêu thụ thức ăn vặt rất nhiều vì lịch trình bận rộn của gia đình.

Cô Abdullah đã cố gắng cho con uống sữa theo lời khuyên của bác sĩ, nhưng cậu bé lại không thích sữa. Người phụ nữ hiện làm 2 công việc cùng lúc và thường không thể nấu ăn ở nhà. Gia đình cô nằm trong tốp 20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất Kuala Lumpur và có 1 người giúp việc phụ trách nấu ăn. Tuy nhiên, con trai cô cũng không thích món ăn do người giúp việc nấu. 

Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, gần 1/3 trẻ em từ 4 tuổi trở xuống ở quốc gia này bị chậm phát triển do chế độ ăn uống không lành mạnh. Mặt khác, cuộc khảo sát về sức khỏe và bệnh tật quốc gia năm 2022 cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến khoảng 21,2% tổng số trẻ em ở Malaysia. Thứ trưởng Bộ Y tế Malaysia Lukanisman Awang Sauni nhấn mạnh: không chỉ những nhóm gia đình có thu nhập thấp mới đối mặt với tình trạng thấp còi ở trẻ. Vấn đề này ảnh hưởng đến trẻ em ở cả 2 đầu của thang đo tài chính.

Một số trường hợp bắt nguồn từ cuộc sống bận rộn của cha mẹ, khiến họ lựa chọn những bữa ăn ít dinh dưỡng hơn chẳng hạn như thức ăn nhanh. Đối với những trường hợp khác, nguyên nhân bắt nguồn từ nghèo đói. Điều này ngày càng trở nên tồi tệ hơn do chi phí sinh hoạt không ngừng tăng cao trong vài năm qua.

Với hy vọng giải quyết tình trạng thấp còi ở trẻ, Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia đã phát động chương trình cung cấp sữa miễn phí cho khoảng 300 trẻ em từ 6 tuổi trở xuống, thuộc các gia đình có thu nhập thấp ở Kuala Lumpur.

Ngoài ra, theo giáo sư dinh dưỡng Poh Bee Koon từ Đại học Kebangsaan, chính phủ nên khôi phục chương trình bữa sáng miễn phí cho học sinh tiểu học, vì nhiều học sinh thuộc mọi nhóm thu nhập thường không ăn sáng trước khi đến trường. 

Theo phụ nữ TPHCM