leftcenterrightdel
Sau khi khỏi sốt xuất huyết, người bệnh có thể gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe liên quan. Ảnh:Totalhealthchiropractic
 

Truyền sang người qua vết cắn của muỗi Aedes aegypti và Ae. albopictus, sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virus được tìm thấy ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới, chủ yếu ở các khu vực đô thị và bán đô thị.

Theo Hindustan Times, bác sĩ Manjusha Agarwal, chuyên gia tư vấn cấp cao - Nội khoa tại Bệnh viện Toàn cầu ở Parel, Mumbai (Ấn Độ), chia sẻ: "Sốt xuất huyết là loại sốt siêu vi do muỗi đốt. Các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, đặc biệt là vào mùa gió mùa. Mặc dù phục hồi hoàn toàn là điều bình thường, nhiều biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn lây nhiễm có thể gây tử vong như giảm nghiêm trọng số lượng tiểu cầu và bạch cầu, rối loạn men gan và suy đa cơ quan".

Triệu chứng sau hồi phục

Tiến sĩ Trupti Gilada, bác sĩ tư vấn về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Masina của Mumbai (Ấn Độ), chỉ ra mặc dù các bệnh do muỗi truyền có xu hướng gia tăng trong mùa gió mùa, sốt xuất huyết và sốt rét lại xuất hiện quanh năm ở nhiều nơi trên thế giới.

Bác sĩ Manjusha Agarwal cho biết thông thường bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn nhưng trong thời kỳ dưỡng bệnh, có thể xảy ra một số vấn đề như:

Suy nhược và suy giảm khả năng miễn dịch: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất đặc biệt ở những người bị nhiễm sốt xuất huyết nặng. Mệt mỏi và suy nhược cực độ thường khiến những người này gặp khó khăn khi đi lại quanh nhà để thực hiện các hoạt động cơ bản.

Ngoài ra, sốt xuất huyết có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể trong vài tuần khiến người bệnh dễ bị mắc bệnh nhiễm trùng khác.

Đau khớp và cơ: Đau cơ, khớp và xương là hiện tượng phổ biến ngay cả trong thời kỳ sốt xuất huyết. Đôi khi nó được gọi là "sốt gãy xương" nhưng nếu sốt xuất huyết diễn tiến đến giai đoạn nghiêm trọng, các triệu chứng khó chịu như đau đa khớp và đau cơ đôi khi có thể tiếp diễn ngay cả trong nhiều ngày sau khi hồi phục.

Chán ăn và sụt cân: Sốt xuất huyết thường đi kèm với buồn nôn và chán ăn, khó ăn uống đầy đủ và theo kịp nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của cơ thể. Điều này cùng với sự gia tăng trao đổi chất của cơ thể trong cơn sốt gây ra sụt cân, dẫn đến thiếu hụt khoáng chất và vitamin.

Chống chọi với căn bệnh sốt xuất huyết trong thời gian dài khiến cơ thể suy nhược, dễ mệt mỏi, chán ăn dẫn đến giảm cân. Người bệnh có thể duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng bằng cách đưa nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn vào chế độ ăn uống hàng ngày.

leftcenterrightdel
 Sốt xuất huyết khiến người bệnh bị suy giảm miễn dịch, suy nhược, dễ mệt mỏi. Ảnh:Indiatimes.
 

Rụng tóc: Tình trạng này xuất hiện ở nhiều người đã khỏi bệnh sốt xuất huyết. Điều này có thể tiếp tục thậm chí trong tối đa 2-3 tháng sau khi phục hồi. Ở một số người, nó có thể nghiêm trọng đến mức gây rụng tóc do dùng thuốc, căng thẳng về chuyển hóa hoặc nội tiết tố hoặc nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng.

Lo lắng và trầm cảm: Những triệu chứng kéo dài này và việc không thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm. Một sự thay đổi nghiêm trọng về nguy cơ căng thẳng, trầm cảm và lo lắng đã được nhìn thấy ở những người bị sốt xuất huyết.

Thiếu hụt dưỡng chất: Tình trạng thiếu khoáng chất và vitamin như vitamin D, B12, E thường thấy ở những người bị sốt xuất huyết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng đau khớp trở nên trầm trọng hơn trong và sau sốt xuất huyết.

Điều trị triệu chứng sau khi khỏi sốt xuất huyết

Tiến sĩ Manjusha Agarwal khuyên người bệnh nên có 5 khẩu phần trái cây tươi, 2/3 khẩu phần rau và bổ sung lượng protein tốt mỗi ngày. Sữa đông, sữa, đậu nành, sữa hạnh nhân, trái cây khô là nguồn protein tốt cho người ăn chay. Thịt gà nạc, trứng, cá là nguồn protein tốt cho người không ăn chay. Người bệnh cũng nên tránh thức ăn nhà hàng, tốt nhất là nấu đồ ăn tươi tại nhà.

Uống nhiều nước và ăn uống lành mạnh là điều rất cần thiết để phục hồi. Vitamin cần thiết cho những bệnh nhân có cảm giác chán ăn. Người bệnh nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt sau cả ngày làm việc và không tập thể dục mạnh ngay lập tức.

Điều quan trọng là không dùng quá nhiều thuốc với các loại thuốc không cần thiết, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Sốt xuất huyết là bệnh do virus và thuốc kháng sinh có tác dụng chống lại vi khuẩn, do đó không có vai trò gì trong việc điều trị.

Theo zingnews