Ngày 6.1, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tổ chức hội nghị hiếm muộn mở rộng với chủ đề: Thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh sản. Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về hỗ trợ sinh sản.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, đã có rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mang về Việt Nam và mang lại hiệu quả cao.

Đến nay, Việt Nam có khoảng 150.000 trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trong đó chủ yếu là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đó là 150.000 niềm hạnh phúc vỡ òa, mang lại niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng và các gia đình.
'Tội phạm lợi dụng kẽ hở pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản'- Ảnh 1.

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã mang lại niềm hạnh phúc cho hàng trăm ngàn gia đình. BVCC

Tuy nhiên, nhìn lại lĩnh vực hỗ trợ sinh sản vẫn còn nhiều thách thức, đó là không phải cơ sở nào cũng có tỷ lệ có thai cao, tỷ lệ có thai khỏe mạnh như mong muốn; thách thức về mặt kinh tế cho các cặp vợ chồng, đa số người lao động trong hành trình tìm con của họ còn khó khăn; còn một số cơ sở chỉ định kỹ thuật không cần thiết; những thách thức về chính sách…

Ngoài ra, vấn đề tội phạm lợi dụng kẽ hở pháp luật trong vấn đề hỗ trợ sinh sản, đã thực hiện hành vi buôn bán tinh trùng, buôn bán noãn, buôn bán phôi, thậm chí là buôn bán trẻ em… Rất nhiều vụ việc đã được ngành công an phát hiện, phanh phui và đưa ra ánh sáng.

"Thời gian tới, hy vọng với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành, sẽ giúp khắc phục được những thách thức này và sẽ có những hành động giúp ngành hỗ trợ sinh sản phát triển", ông Đinh Anh Tuấn nói.

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay, gồm: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung; thụ tinh trong ống nghiệm; tiêm tinh trùng vào bào tương noãn; phương pháp trưởng thành noãn trong ống nghiệm; thụ tinh ống nghiệm xin noãn; thụ tinh ống nghiệm xin tinh trùng, xin phôi; hỗ trợ phôi thoát màng; phẫu thuật lấy tinh trùng; trữ lạnh phôi, tinh trùng và noãn... 
 

Ở góc độ chuyên môn, theo PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, hiếm muộn chiếm từ 7 - 10% dân số tuổi sinh đẻ tại Việt Nam. Điều trị hiếm muộn là điều trị theo nguyên nhân, tuy nhiên cũng có 2 biện pháp giúp tăng khả năng mang thai cho các cặp điều trị hiếm muộn là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và IVF.

Từ năm 1996, Việt Nam đã thực hiện được IVF và đến nay đã có 53 trung tâm làm được. Tỷ lệ thành công của IVF là từ 28 - 60% tùy trung tâm; phụ thuộc vào sức khỏe bà mẹ, chất lượng phôi và nội mạc tử cung; chất lượng của trung tâm hỗ trợ sinh sản.

Tại hội nghị, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cũng cho biết, từ năm 1997 bệnh viện thực hiện kỹ thuật IVF và 3 đứa trẻ sinh ra lần đầu tiên vào ngày 30.4.1998. Đến nay, số lượng trẻ ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là IVF tại Bệnh viện Từ Dũ chiếm khoảng 20% trên cả nước với khoảng 17.000 em.

Theo Thanh niên