Tổn thương da nặng nề do hóa trang Halloween
Cập nhật lúc 14:32, Thứ sáu, 01/11/2024 (GMT+7)
Lễ hội hóa trang Halloween (ngày 31/10) đang đến gần. Các bác sĩ cảnh báo nhiều trường hợp da bị sưng đỏ, ngứa ngáy, nổi mụn nước, phát ban sau khi sử dụng trang phục không phù hợp, dùng mỹ phẩm, gel bôi tóc… để hóa trang.
Phải cấp cứu vì sốc phản vệ
Việc dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đậm màu đã làm nhiều bệnh nhân bị dị ứng da tiếp xúc, gây ngứa, nổi mụn nước li ti... Một bệnh nhân nữ (24 tuổi, ở TPHCM) đến bệnh viện khám do da bị ngứa, nổi mẩn đỏ kéo dài. Trong quá trình khám, bác sĩ phát hiện 3 ngày trước, người bệnh có tham dự lễ hội Halloween, sử dụng rất nhiều mỹ phẩm để hóa trang thành nhân vật mình yêu thích. Phát hiện da bị ngứa, người bệnh không tẩy trang ngay mà chỉ ra tiệm thuốc mua thuốc về uống tạm cho đến khi vùng mặt sưng đau. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng, phải điều trị bằng thuốc uống và bôi.
|
|
Bác sĩ Lê Thảo Hiền đang khám và tư vấn cho người bệnh - ảnh do bệnh viện cung cấp |
Nhớ lại sự cố về sức khỏe trong lễ hội Halloween năm 2023, anh T.T.K. (27 tuổi, ở quận 8) nói: “Suýt chút nữa tôi đã không thể trở về nhà”. Anh cho biết đã thuê trang phục hóa thân thành hiệp sĩ bóng đêm. Ngay khi mặc thử trang phục, anh đã cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Trong lúc hóa trang tại nhà người bạn, anh bị nổi mề đay, sưng đỏ khắp người. Tiếc buổi tiệc, anh mua thuốc trị dị ứng uống để cầm cự. “Khoảng 20g30, chúng tôi bắt đầu lễ hội. Tôi thay đồ, đeo mặt nạ vào vai hiệp sĩ được khoảng 15 phút thì thấy cả mặt rất rát, căng lên, nhói như kim chích. Cảm giác này lan ra cổ, ngực như nổi mề đay trước đó. Tôi tiếp tục uống thuốc, rồi thấy khó thở, mệt mỏi và ngất xỉu. Mọi người xung quanh phát hiện, đưa tôi vào bệnh viện gần nhà cấp cứu” - anh K. nhớ lại.
Sau khi được cấp cứu, tỉnh lại, anh mới biết mình bị sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân, phải nằm viện 2 ngày. Tuy sức khỏe đã hồi phục nhưng mặt của anh phồng rộp, có nhiều dịch mủ, bác sĩ tư vấn anh đến Bệnh viện Da liễu TPHCM khám lại. Tại đây, anh được chẩn đoán viêm da kích ứng do thuốc nhuộm tóc và mỹ phẩm trang điểm. Anh kể: “Tôi điều trị thêm nửa tháng thì các vết loét, bong da mới khỏi hẳn. Hiện, ở phần má trái của tôi vẫn còn một vài sẹo nhỏ từ sự cố này. Tôi đã quá chủ quan nghĩ rằng chỉ hóa trang 1 buổi tối thì sử dụng quần áo, mỹ phẩm hay sơn màu gì cũng được”.
Để có mùa lễ hội an toàn
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền (Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM) cho biết, rất nhiều người tham gia lễ hội bị các vấn đề về da nhưng ít phát hiện ra. Bởi đa số ít bị phản ứng viêm ngay khi hóa trang mà vài ngày sau, các triệu chứng mới bắt đầu. Bệnh nhân cứ nghĩ mình bị dị ứng thức ăn, nước uống. Trong một buổi tiệc hóa trang, có rất nhiều nguyên nhân khiến người tham gia bị các vấn đề về sức khỏe như viêm da tiếp xúc, dị ứng, da tổn thương do hóa chất… thậm chí suy hô hấp, sốc phản vệ. Bởi phần lớn mặt nạ được giới trẻ ưa chuộng để hóa trang làm bằng nhựa latex rất dễ gây dị ứng tại chỗ. Các phụ kiện như thanh kiếm, vương miện, dây nịt, áo giáp… làm từ niken, người có cơ địa dị ứng sẽ bị viêm da tiếp xúc ngay, gây ngứa kéo dài, nổi mụn nước, nốt đỏ li ti, khả năng dẫn đến phát ban toàn thân.
Ngoài ra, hầu hết người tham gia đều trang điểm các lớp dày, mỹ phẩm đa dạng, đậm màu… Người chơi có xu hướng “săn” các sản phẩm trang điểm mới, thể hiện phong cách “độc nhất vô nhị” nên chấp nhận mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Không ít người dùng keo dán lông mi giả, móng tay giả, đính đá, bôi chất phản quang… vốn là những vật liệu chứa rất nhiều chất gây dị ứng, nồng độ hóa chất cao, dễ làm phỏng da, loét da vùng mi, hủy hoại móng tay, chân. “Xu hướng dùng pháo bông, xịt gel tạo mẫu tóc có nhiều chất bảo quản, mùi hương càng nặng càng dễ gây dị ứng, kích ứng da. Những trường hợp này thường có phản ứng ngay, gây ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, mề đay… Người bệnh thường trì hoãn để tiếp tục lễ hội, vì vậy bệnh càng nặng hơn” - bác sĩ Lê Thảo Hiền nói.
Các bác sĩ cũng lưu ý trẻ em càng dễ gặp nguy hiểm khi tham gia lễ hội Halloween nếu cha mẹ không chọn kỹ trang phục, mỹ phẩm cho con. Trẻ càng nhỏ càng có cấu trúc da mỏng, nhạy cảm bởi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Do đó, khi bị phản ứng dị ứng, nhiễm trùng, trẻ sẽ bị nặng hơn so với người lớn.
Vì vậy, người lớn hay trẻ nhỏ nên chọn trang phục có chất liệu cotton để an toàn cho da và đường hô hấp. Các vật dụng hóa trang như nón, mặt nạ, mỹ phẩm… phải có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng. Đối với phụ kiện bằng kim loại như vương miện, kiếm, dây xích… nên phủ một lớp sơn bóng để tạo “màng bảo vệ” cho da. Sử dụng các sản phẩm càng ít hương liệu càng tốt. Tuyệt đối không sử dụng các loại keo dán râu, tóc, lông mi, móng tay hay các chất dạ quang để bôi lên da vì rất dễ gây tổn thương da.
Nếu cảm thấy ngứa, rát vùng da sau khi trang điểm; mệt mỏi, khó thở, phải đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ, cấp cứu kịp thời. Khi xịt gel lên da, tóc mà bị đỏ, rát, hãy sơ cứu ngay tại chỗ bằng cách rửa vùng da đó bằng nước sạch nhiều lần; khi cảm thấy hết ngứa, rát mới đến bác sĩ khám bởi nếu không được xử lý ngay, hóa chất sẽ thấm sâu vào da, gây tổn thương nặng hơn.
Theo phụ nữ TPHCM