|
Nhiều phụ nữ bị bệnh nhiễm ký sinh trùng vì sử dụng nước ô nhiễm |
Sau một năm chịu đựng những cơn đau dữ dội, Penina Kitsao 33 tuổi mới phát hiện ra căn bệnh thực sự của mình sau khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Người nông dân ở miền đông Kenya đã mắc bệnh sán máng sinh dục nữ (FGS) từ những con giun ký sinh nhỏ trong ao mà gia đình cô sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt.
“Tôi không thể làm gì được trong nhiều tuần. Các bác sĩ liên tục cho tôi uống cùng một loại thuốc mỗi lần tôi đến bệnh viện. Chúng sẽ ngăn chặn các triệu chứng trong vài ngày, và sau đó căn bệnh sẽ trở lại thậm chí còn tệ hơn" - bà mẹ 4 con cho biết
FGS ảnh hưởng đến khoảng 56 triệu phụ nữ và trẻ em gái, chủ yếu ở Châu Phi cận Sahara. nhưng vẫn là một tình trạng phần lớn không được biết đến và bị bỏ quên. Bệnh này dễ điều trị nếu được chẩn đoán nhanh chóng. Nhưng nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến tổn thương cơ quan sinh sản, vô sinh và hiện đang được liên kết với khả năng mắc HIV cao hơn.
|
Trẻ em mang theo các thùng đựng nước, một công việc mà các em thường phải làm nhiều lần trong ngày. |
Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do ký sinh trùng lây truyền qua nước và phần lớn là lây nhiễm cho phụ nữ và trẻ em gái sống ở vùng nông thôn. Người dân ở đây đều dùng nước ao hồ để nấu ăn, vệ sinh, tắm rửa và giặt giũ.
Người bị nhiễm ký sinh trùng sẽ gặp các triệu chứng: sốt, đau vùng chậu, ra máu và ngứa, nóng rát nội khoa. Các triệu chứng này tương tự như các triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục, dẫn đến chẩn đoán sai.
Không có số liệu chính xác về số lượng phụ nữ mắc FGS vì không có xét nghiệm chuẩn hóa. Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 3, chỉ có 15.000 trẻ em gái và phụ nữ ở các khu vực được sàng lọc.
Nhưng hiện nay, có một nỗ lực mới để nâng cao nhận thức. Một nhóm liên minh toàn cầu được thành lập vào năm 2022, đang vận động các chính phủ và nhà tài trợ đưa phương pháp điều trị FGS vào các chương trình sức khỏe tình dục và sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái.
|
Kitsao đã được chẩn đoán bị FGS và được điều trị đúng cách. |
Các thành viên của nhóm đã tham dự hội nghị quốc tế về bệnh AIDS tại Munich, Đức, vào tháng 7 vừa qua để thúc đẩy mục tiêu của UNAIDS – 90% trẻ em gái và phụ nữ được sàng lọc FGS tại các khu vực lưu hành vào năm 2025. Phụ nữ mắc FGS có nguy cơ mắc HIV cao gấp 3 lần.
"Chúng ta đang có nguy cơ thụt lùi về các mục tiêu phòng ngừa HIV" - Yael Velleman, đồng chủ tịch và giám đốc chính sách và đổi mới tại tổ chức từ thiện Unlimit Health - cho biết. "Nếu chúng ta mắc phải căn bệnh này, căn bệnh đang làm tăng gấp 3 lần nguy cơ lây nhiễm, thì sẽ mất nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn nhiều để chấm dứt đại dịch".
Dữ liệu về tỷ lệ mắc bệnh ở Kenya còn hạn chế, nhưng các bác sĩ cho biết trong số 2.714 phụ nữ đã trải qua sàng lọc ung thư cổ tử cung ở các vùng phía tây và ven biển kể từ tháng 4, thì 11% bị FGS. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên được tiến hành vào tháng 6 tại Junju - một ngôi làng ven biển nhỏ ở Kenya, 11 trong số 19 phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính.
Kiti Mwangome - một nhà nghiên cứu sức khỏe sinh sản tại LVCT - cho biết: “Điều đó cho thấy vấn đề này rất nghiêm trọng, rằng nhiều phụ nữ đang phải chịu đựng trong im lặng vì họ không được thông báo về nó”.
Bác sĩ phụ khoa Victoria Gamba dẫn đầu chương trình đào tạo FGS tại Kenya cho biết. "Ngành y đã góp phần vào việc bỏ bê căn bệnh này, và tôi muốn giúp khắc phục điều đó. Các bác sĩ cần tiếp cận đúng thông tin và chẩn đoán để chấm dứt tình trạng bỏ bê này".
FGS có thể được điều trị bằng praziquantel - một loại thuốc diệt giun ký sinh và thường được dùng cho học sinh ở những vùng lưu hành bệnh. Tuy nhiên, thuốc sẽ kém hiệu quả hơn nếu bệnh không được phát hiện sớm.
Kitsao hiện rất thận trọng khi đi lấy nước, một công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng và kéo dài suốt cả ngày. “Tôi luôn có nhiều việc phải làm. Tôi cứ tự hỏi ai sẽ chăm sóc con tôi nếu tình hình tệ hơn. Chúng tôi sử dụng nước này cho mọi thứ. Không có nhiều lựa chọn, vì vậy chúng tôi cố gắng lấy nước từ những mép sạch hơn” - Kitsao nói.
|
Dù nhiều phụ nữ bị nhiễm FGS đau đớn không thể chịu đựng được, nhưng mỗi ngày vẫn phải đi lấy nước |
Các nhóm vận động cho rằng, để giải quyết FGS trong dài hạn, các chính phủ cần tập trung vào phòng ngừa hơn là điều trị, cung cấp cho cộng đồng quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh phù hợp. Ký sinh trùng có thể bị tiêu diệt nếu nước để yên trong 24 giờ trước khi sử dụng, nhiều hộ gia đình không có không gian để lưu trữ.
Zenabu Baya - một nông dân 44 tuổi - phải đi bộ 30 phút mỗi ngày đến hồ nước đục ngầu để lấy nước, bởi đây là nguồn nước của gia đình cô. Baya cho biết nhu cầu về nước của gia đình cô đã tăng lên. Cô nói: "Ở tuổi tôi, đi bộ xa như vậy không còn dễ nữa. Nhưng nước giếng khoan sạch được bán với giá rất đắt, gia đình tôi không đủ khả năng để mua".
Baya mắc FGS vào cuối năm ngoái, cô đau bụng dữ dội đến ngất xỉu. "Tình trạng tệ tới mức tôi thậm chí không thể ra khỏi nhà. Điều chúng ta có thể làm là đảm bảo mọi người biết rằng căn bệnh này có thể chữa được" - cô nói, và khuyên những ai có triệu chứng, hãy tìm cách điều trị.
Theo phụ nữ TPHCM