Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, ngày 28/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng chỉ trích việc các nước giàu tích trữ vaccine phòng COVID-19, đồng thời kêu gọi các nước này chia sẻ vaccine để giúp chấm dứt đại dịch.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh truyền hình CBC (Canada) ngày 28/3, ông Guterres nói: "Tôi rất lo ngại trước việc phân phối vaccine rất không công bằng trên thế giới."

Người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ trích các nước giàu "tư lợi" khi xây dựng nguồn cung vaccine vượt quá nhu cầu của dân số nước mình.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết hệ thống quốc tế viện trợ vaccine cho các nước nghèo (COVA) đang gặp khó khăn vì có nhiều hoạt động tích trữ.

Theo ông Guterres, việc chấm dứt đại dịch phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiêm chủng càng nhanh càng tốt cho người dân trên toàn thế giới. Ông kêu gọi ủng hộ cơ chế do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hỗ trợ để triển khai kế hoạch tiêm chủng toàn cầu.

Khi được hỏi về khả năng thông qua hộ chiếu vaccine, ông Guterres tỏ ra thận trọng khi nói rằng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, phải nghiêm túc thảo luận để đảm bảo công bằng và hợp tác hiệu quả trên quy mô toàn cầu.

Trong khi đó, việc tăng tốc sản xuất vaccine giúp châu Âu thấy "ánh sáng cuối đường hầm," bất chấp làn sóng COVID-19 thứ ba đang tràn vào Lục địa già.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong một tuyên bố ngày 28/3, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton, người chịu trách nhiệm giám sát việc sản xuất vaccine, cho biết liên minh hiện có 52 nhà máy hoạt động 24/7 để sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Các nhà máy này có khả năng sản xuất và cung cấp cho các nước châu Âu 360 triệu liều dự kiến vào cuối quý 2 năm nay và 420 triệu liều cần thiết cho khả năng đạt miễn dịch cộng đồng vào giữa tháng 7 tới.

Theo Ủy viên Thierry Breton, châu Âu phải mất vài tuần nữa mới có thể hạn chế được sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đồng thời phải có một số lượng đáng kể người dân được tiêm chủng. Điều này đồng nghĩa với việc cả châu Âu phải tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.

Liên quan đến việc cung cấp vaccine của hãng AstraZeneca, cơ nguyên của những tranh cãi nảy lửa giữa Brussels và London, ông Breton đã nhắc lại quan điểm của Ủy ban châu Âu (EC): "Chừng nào AstraZeneca chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với EU thì những gì họ sản xuất trên lãnh thổ châu Âu đều dành cho người châu Âu.”

Hiện EU nghi ngờ hãng dược phẩm Thụy Điển-Anh này ưu ái cho Vương quốc Anh khiến 27 quốc gia thành viên EU bị tổn hại. Ủy viên Breton nhấn mạnh: “Người Anh không có khả năng thực hiện chính sách vaccine một mình."

Theo ông Breton, nước Anh hiện chỉ sản xuất 10 triệu liều vaccine. EU đã cung cấp cho họ 20 triệu liều.

Theo ước tính, Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson phải đối mặt với "vấn đề" về dự trữ vaccine để tiêm mũi thứ hai cho những người Anh đã nhận được mũi đầu tiên.

Sau hơn 1 năm bùng phát, đại dịch COVID-19 đã khiến 27 nước EU có hơn 26 triệu người mắc bệnh, trong đó hơn 607.500 người tử vong.

Theo Vietnamplus