Trái sung thường có kích thước lớn bằng đầu ngón tay. Ruột trái sung mềm, có màu hồng, ăn có vị ngọt và hạt giòn. Sung ăn ở dạng tươi hay sấy khô đều được, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Mắc bệnh nào thì nên ăn trái sung ? - Ảnh 1.

Các dưỡng chất trong trái sung giúp giảm táo bón và cải thiện sức khỏe tim mạch. SHUTTERSTOCK

Trái sung có nhiều chất xơ và các loại khoáng chất như đồng, magiê, kali, riboflavin, thiamine, vitamin K, B6 và một số dưỡng chất khác. Sung có những lợi ích chữa bệnh sau:

Giảm táo bón

Sung là loại trái cây có khả năng làm sạch ruột và giúp giảm táo bón hiệu quả. Nó được ví như thuốc nhuận tràng tự nhiên, giúp làm dịu nhu động ruột. Lợi ích này có được nhờ hàm lượng chất xơ hòa tan trong sung.

Trái sung có thể dùng làm món ăn nhẹ bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả giảm táo bón tốt nhất, mọi người nên ăn ít nhất 3 trái sung vào buổi sáng khi bụng đang đói.

Giảm huyết áp

Chế độ ăn nhiều muối khiến không ít người đối mặt nguy cơ bị huyết áp cao. Hiện tại, huyết áp cao đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước trên thế giới. Huyết áp cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe, trong đó làm rối loạn nồng độ kali trong máu.

Trái sung lại là loại thực vật rất giàu kali. Ăn trái sung thường xuyên không chỉ giúp bổ sung chất xơ, cung cấp kali mà còn có tác dụng kiểm soát huyết áp.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Trái sung rất phù hợp cho các bữa ăn nhẹ trong ngày. Thay vì ăn các món nhiều đường và tinh bột thì mọi người có thể thay thế bằng sung. Sung chứa magiê, vitamin K2, canxi và nhiều khoáng chất khác. Đặc biệt, hàm lượng chất xơ trong sung sẽ giúp người ăn cảm thấy no lâu, từ đó hỗ trợ giảm cân rất tốt.

Giảm cân thành công không chỉ giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu mà còn giảm nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ. Không những vậy, chất chống ô xy hóa trong sung còn giúp tế bào trong cơ thể tránh tổn hại do các gốc tự do gây ra.

Cải thiện tiêu hóa

Chất xơ trong sung là chất xơ hòa tan, có tác dụng kích thích lợi khuẩn trong ruột. Lợi khuẩn tăng lên không chỉ cải thiện chức năng tiêu hóa mà còn đảm bảo các chức năng sinh học khác của ruột diễn ra khỏe mạnh, theo Healthline.

Theo Thanh niên