Những triệu chứng phổ biến thường gặp như buồn bã, cảm xúc thất thường, dễ cáu giận, dễ khóc... hay có thể nguy hiểm đến mức tự tử hoặc giết hại chính đứa con của mình.

Yếu tố nguy cơ

Thực tế, rất khó nhận biết đâu là trầm cảm thật hay đâu là rối loạn cảm xúc bình thường sau sinh. Thêm nữa, những dấu hiệu của TCSS lại trùng lặp với những rối loạn khác, ví dụ như mất ngủ, mệt mỏi, ăn uống kém, lo lắng... Bất kỳ bà mẹ nào mới sinh con đều có thể trải qua những cảm xúc này. Do đó, việc tiếp cận chẩn đoán có vai trò quan trọng để nhận biết các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân. Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến trầm cảm cần quan tâm:

Trong thai kỳ: Mẹ lo lắng quá mức, tiền sử mắc trầm cảm, thai ngoài ý muốn, bạo lực gia đình, thu nhập thấp, trình độ học vấn thấp, hút thuốc lá, mẹ đơn thân, mối quan hệ với bạn đời bất ổn...

Sau sinh: Bị trầm cảm trong thời gian mang thai; lo lắng, sợ hãi trong suốt thời gian mang thai; có biến cố không hay xảy ra trong thời gian mang thai hay mới sinh con; sang chấn sản khoa; sinh non hay trẻ phải chăm sóc đặc biệt; tiền sử TCSS; vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ...

Nhận biết và chẩn đoán

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán chung, nếu có ít nhất 5 dấu hiệu sau đây, kéo dài suốt 2 tuần hoặc có sự thay đổi cảm xúc cần xem xét đến trầm cảm:

1. Luôn tự cảm thấy buồn bã, gần như buồn mỗi ngày, biểu hiện như cảm giác trống rỗng, tuyệt vọng hay người khác nhận thấy như vậy.

2. Giảm hứng thú với các hoạt động thường nhật, gần như ngày nào cũng vậy (tự nhận xét hay người khác nhận thấy vậy).

3. Sụt cân hay tăng cân đáng kể (thay đổi hơn 5% trọng lượng cơ thể trong 1 tháng dù không ăn kiêng để giảm cân hay ăn theo chế độ tăng cân). Thèm ăn quá nhiều hay quá ít so với bình thường mỗi ngày.

4. Mất ngủ/ngủ quá nhiều gần như mỗi ngày.

    5. Rối loạn tâm thần vận động gần như mỗi ngày (được nhận thấy bởi người khác, không tính khi bệnh nhân chỉ cảm thấy mình chậm chạp hay mệt mỏi vì không được nghỉ ngơi).

    6. Mệt mỏi, cảm thấy hết năng lượng gần như mỗi ngày.

    7. Cảm thấy bản thân vô dụng, mất phương hướng.

    8. Giảm khả năng tư duy/tập trung, không thể quyết định được điều gì gần như mỗi ngày.

    9. Suy nghĩ nhiều về cái chết (không chỉ là sợ chết), có ý định tự tử nhiều lần mà không có cách thức cụ thể.

    Ngoài ra cần lưu ý tới các yếu tố: Triệu chứng trầm cảm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc hoặc các chức năng quan trọng khác. Nếu có bất kỳ tình trạng bệnh lý, thuốc sử dụng nào ảnh hưởng đến tâm thần thì không tính. Tình trạng nặng nhất TCSS không liên quan đến rối loạn tâm thần (RLTT) dạng phân liệt, tâm thần phân liệt hoặc các RLTT khác. Chưa từng mắc chứng hưng cảm.

    Theo Sức khỏe và đời sống 

    Như đã đề cập, TCSS phải được đánh giá một cách nghiêm ngặt bởi một chuyên gia tâm thần, nhưng khó mà xác định thời điểm khởi phát cũng như cách đánh giá để phát hiện sớm. Những biểu hiện như mệt mỏi, thay đổi cảm xúc, thiếu ngủ hay ăn uống kém rất thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh. Theo khuyến cáo của Hội Sản Phụ khoa thì thời điểm lý tưởng để tầm soát là trong khoảng 2 tuần đến 6 tháng sau sinh.

    Ngoài những tác động bên ngoài như xáo trộn cuộc sống, thay đổi nếp sinh hoạt gây căng thẳng thì thay đổi nội tiết tố cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến TCSS. Sự nhạy cảm với dao động nồng độ nội tiết tố trong thời gian mang thai và sau sinh có liên quan đến vấn đề trầm cảm ở thai phụ và sản phụ. Một số báo cáo cho rằng ảnh hưởng nội tiết tố tác động lên giấc ngủ. Nếu bệnh nhân có biểu hiện khó ngủ sau sinh có thể là yếu tố dự báo của trầm cảm.

    Các hậu quả nghiêm trọng của TCSS nặng

    Tự tử: Theo thống kê những nguyên nhân tử vong mẹ sau sinh ở United Kingdom và Australia thì tự tử là nguyên nhân hàng đầu, đặc biệt cao ở nhóm bệnh nhân rối loạn tâm thần (RLTT) và có dùng chất gây nghiện. Do đó, đánh giá nguy cơ tự tử sau sinh cần hỏi rõ về tiền sử sử dụng chất gây nghiện, từng tự tử, tình trạng RLTT hiện tại hoặc trước đây, những sang chấn trước đây hoặc có dấu hiệu bạo lực gia đình.

    Rối loạn tâm thần: Tần suất của RLTT sau sinh khoảng 1/500 phụ nữ, khởi phát khoảng 2-4 tuần sau sinh. RLTTsau sinh bao gồm suy nghĩ lẫn lộn, cảm xúc dao động thất thường, ảo giác, hoang tưởng... RLTT sau sinh được xem là tình trạng cấp cứu và cần theo dõi điều trị nội trú. Hầu hết những trường hợp RLTTsau sinh đều liên quan đến rối loạn lưỡng cực, không phải tâm thần phân liệt.

    Sát hại con mình: Đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất của TCSS nặng, có thể có RLTT đi kèm. Những bà mẹ sinh con ngoài ý muốn, có sử dụng chất gây nghiện hoặc thù hận với bố đứa trẻ thường có hành vi này. Đặc biệt, 16-29% bà mẹ giết con mình sau đó cũng tự tử theo. Bà mẹ có thể sát hại con mình chỉ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc sau đó đến khi đứa trẻ 1 tuổi. Cần lưu ý đặc biệt những bệnh nhân từng có suy nghĩ gây tổn hại đứa trẻ, dù chỉ thoáng qua.

    Lời khuyên của thầy thuốc

    TCSS là vấn đề không thể xem nhẹ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ. Giáo dục kiến thức, tư vấn, giải thích cho bà mẹ mang thai và sau sinh những vấn đề cơ bản về trẻ sơ sinh, cách chăm sóc trẻ là bước dự phòng hiệu quả. Nhu cầu được hỗ trợ, được giúp đỡ và được quan tâm của bà mẹ mới sinh, đặc biệt khi sinh con đầu lòng rất cao. Do đó, không chỉ người chồng mà vai trò của bác sĩ điều trị, gia đình và các tổ chức xã hội cũng rất quan trọng. Như các bệnh lý khác, dự phòng luôn có ý nghĩa hơn điều trị và điều trị đúng mực tốt hơn xử lý hậu quả, bởi vì hậu quả của TCSS đôi khi làm mất mạng sống của mẹ và bé sơ sinh mới chào đời.