Triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy có thể gây ra áp lực lớn cho cơ thể bạn, dù nguyên nhân có thể do nhiễm trùng, mang thai hay ngộ độc thực phẩm thì khi bạn đang phải đối mặt với cảm giác dạ dày không ổn, điều cuối cùng bạn muốn là các triệu chứng không trở nên tồi tệ hơn.
1. Tránh ăn gì khi đang bị nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy?
Ngoài việc ăn những thức ăn nhạt, chứa tinh bột như bánh mì nướng không nhân và bánh quy mặn, hãy chắc chắn tránh những thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa của bạn trong vòng 3 - 5 ngày sau đó.
1.1. Thức ăn nhiều dầu mỡ
Theo Livestrong, thực phẩm chứa nhiều chất béo có thể khiến tình trạng tiêu chảy thêm nặng hơn. Hơn nữa, theo Health, thực phẩm chiên rán có thể gây đầy bụng do tăng nồng độ hormone đường ruột cholecystokinin (CCK). CCK ảnh hưởng đến cảm giác no và khoảng thời gian cần thiết để thức ăn di chuyển qua dạ dày của bạn. Trong thời gian cơn đầy hơi xảy ra, chất béo có thể gây ra các triệu chứng buồn nôn và nôn mửa. Mức độ CCK tăng cũng được chứng minh có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của cảm giác buồn nôn.
|
|
Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ khi bị đau bụng, tiêu chảy (Ảnh: Internet) |
Do vậy, khi đang bị đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy, hãy tránh những thực phẩm chiên rán ngập dầu như khoai tây chiên, gà rán,... cho tới khi cảm thấy khỏe hơn.
1.2. Thực phẩm có mùi nồng
Tránh ăn hoặc nấu những thực phẩm có mùi thơm nồng như tỏi, hành, các loại thảo mộc tươi hoặc thức ăn cay. Khi đang mệt mỏi vì các vấn đề tiêu hóa, cơ thể bạn có thể nhạy cảm hơn với các mùi hương này. Hơn nữa, những thực phẩm này có thể gây buồn nôn và khiến bạn có cảm giác buồn nôn nhiều hơn.
|
|
Thức ăn cay nóng khiến dạ dày đang tổn thương thêm khó chịu hơn (Ảnh: Internet) |
1.3. Trái cây và rau củ gây đầy hơi
Theo Thư viện Y khoa Hoa Kỳ, khi đang bị buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy, điều quan trọng là bạn cần tránh gây thêm kích ứng cho đường tiêu hóa bằng những loại rau củ và trái cây có thể gây đầy hơi.
Những loại trái cây và rau củ có thể gây đầy hơi cần hạn chế bao gồm bông cải xanhh, ớt, đậu Hà Lan, quả mọng, mận khô, cà tím, đậu xanh, các loại rau lá xanh và ngô.
Sau khi cảm thấy khỏe hơn - có nghĩa là bạn không còn cảm thấy buồn nôn hay bị tiêu chảy nữa - bạn có thể từ từ kết hợp những thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu này vào chế độ ăn bình thường của mình.
|
|
Sữa và các chế phẩm từ sữa không nên ăn khi đang bị buồn nôn, đau bụng (Ảnh: Internet) |
1.4. Các thực phẩm từ sữa
Theo Livestrong, sữa và các thực phẩm từ sữa có thể khiến tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn. Việc hạn chế các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, kem hay bất kì thực phẩm nào chứa các thành phần này sẽ giúp giảm bớt yếu tố nguy cơ tiêu chảy nặng hơn. Khi tiêu chảy hết, bạn có thể ăn các thực phẩm này trở lại.
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên cảm thấy khó chịu và đầy hơi sau khi ăn sữa do nhạy cảm (không dung nạp đường lactose), bạn nên lựa chọn những loại sữa không chứa lactose hoặc các sản phẩm thay thế sữa chẳng hạn như sữa có nguồn gốc thực vật như sữa hạnh nhân, sữa dừa, sữa gạo và sữa đậu nành.
1.5. Đồ uống có chứa caffeine và có cồn
Tránh đồ uống có chứa caffein như cà phê, trà và soda có chứa caffeine. Caffeine là một chất kích thích và có thể làm tình trạng tiêu chảy của bạn trở nên trầm trọng hơn bằng cách tăng tốc độ thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Tương tự như vậy, bạn cũng cần tránh xa rượu bia.
1.6. Nước ngọt có gas
Nước ngọt có gas có thể dẫn đến dư thừa không khí trong dạ dày khi uống. Điều này có thể dẫn đến ợ hơi, đầy hơi hoặc chướng bụng, khiến cảm giác khó chịu ở dạ dày trở nên tồi tệ hơn.
Nhiều đồ uống có ga cũng có tính axit. Chúng có thể làm thay đổi độ nồng độ axit trong đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu hóa kém, ợ chua và trào ngược.
|
|
Nước ngọt có gas có thể dẫn đến dư thừa không khí trong dạ dày khi uống (Ảnh: Internet) |
1.7. Lời khuyên khác khi gặp các vấn đề tiêu hóa
Ngoài những thực phẩm cần tránh khi gặp các vấn đề tiêu hóa như nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy kể trên thì bạn cũng cần:
- Uống đủ nước
Do khi nôn mửa và tiêu chảy, cơ thể dễ bị mất nước và tăng nguy cơ mất nước. Để chống lại điều đó, hãy đảm bảo bù chất lỏng từ nước lọc, nước điện giải, súp hay trà ấm đã khử caffeine.
- Chờ đợi
Tất nhiên là sau khi bị nôn mửa, bạn sẽ không thèm ăn gì cả. Lời khuyên là bạn nên ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu hóa theo công thức BRAT (Chuối, cơm trắng, sốt táo và bánh mì nướng). Nếu muốn ăn thức ăn đặc hơn, hãy đợi khoảng 6 giờ kể từ lần nôn cuối cùng và chờ 24 - 48 giờ sau khi nôn mửa và tiêu chảy nếu muốn ăn chế độ ăn bình thường lại.
- Ăn chín uống sôi
Nấu chín thức ăn, tránh các loại salad hay rau sống nếu không muốn tình trạng tiêu hóa của bạn nặng thêm hoặc mắc thêm một tình trạng nhiễm khuẩn khác.
2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Nếu tiêu chảy hoặc nôn mửa kéo dài trên 48 giờ hoặc bị tiêu chảy kèm sốt, chóng mặt, ngất xỉu, đau bụng dữ dội hoặc phân đen có lẫn máu thì bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Thăm khám cũng cần thiết nếu một người bị nôn mửa kèm đau bụng hoặc nhức đầu dữ dội kéo dài hơn 4 giờ, chất nôn có màu đỏ, xanh đậm hoặc đen như bã cà phê hay có các dấu hiệu mất nước như khô môi, mắt trũng sâu, không giữ được chất lỏng dù được uống từng ngụm nhỏ, không đi tiểu quá 8 giờ, da ẩm, móng tay có màu xanh tím,..
Châu Anh/Nguồn: Livestrong