Tranh cãi gay gắt: Có nên công nhận béo phì là bệnh?
Cập nhật lúc 18:02, Thứ sáu, 19/07/2019 (GMT+7)
Trong giới khoa học đang nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt sau khi Đại học Bác sĩ Hoàng gia (RCP) kiến nghị Chính phủ Anh và Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) nước này khẩn trương công nhận béo phì là một căn bệnh.
Béo phì nên được phân loại là một bệnh vì không phải lúc nào đó cũng là lỗi của bệnh nhân, một số nhà khoa học lập luận
Phía các chuyên gia đồng ý với quan điểm nói trên cho rằng dán nhãn béo phì thành tình trạng mạn tính, tương tự như hen suyễn hoặc động kinh, có thể khuyến khích mọi người tìm kiếm phương thức được điều trị thay vì dựa vào mốt ăn kiêng.
Họ tin đây là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng béo phì, khiến gần 1/3 người dân Anh trưởng thành bị thừa cân nguy hiểm, theo Daily Mail.
Viết trên Tạp chí Y học Anh, giáo sư John Wishing, Đại học Liverpool (Anh) và Vicki Mooney - một cựu người mẫu ngoại cỡ, giám đốc điều hành của Liên minh châu Âu những người sống với bệnh béo phì, đã nêu ra định nghĩa về “căn bệnh” như sau: “Từ điển Oxford định nghĩa bệnh là "một rối loạn về cấu trúc hoặc chức năng... đặc biệt là gây ra các triệu chứng cụ thể... và không chỉ đơn giản là kết quả trực tiếp của chấn thương thực thể”.
Viện dẫn nghiên cứu ủng hộ cách nhìn béo phì do gien, giáo sư Wishing và bà Mooney kết luận, “do đó, trọng lượng cơ thể, phân phối chất béo và nguy cơ biến chứng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sinh học - tức là không phải là lỗi của một cá nhân nếu họ béo phì”.
Nhận biết béo phì như một căn bệnh sẽ “giúp giảm bớt sự kỳ thị và phân biệt đối xử của nhiều người mắc bệnh béo phì”, do đó khuyến khích họ nhận trợ giúp y tế.
“Sự kỳ thị béo phì khiến bệnh nhân sợ hãi khi thảo luận về cân nặng và họ chuyển sang chế độ ăn kiêng hoặc thuốc không kê đơn vì cho rằng béo phì là trách nhiệm của họ. Trừ phi chấp nhận rằng béo phì là một căn bệnh, nếu không chúng ta sẽ không thể kiềm chế dịch", Daily Mailghi lại lời giáo sư Wishing và bà Mooney.
Tuy nhiên, lập luận này đã bị một số chuyên gia chỉ trích. Họ dẫn nghiên cứu khẳng định béo phì chủ yếu do lười vận động và ăn nhiều để phản biện. Tiến sĩ Richard Pile, bác sĩ gia đình đến từ St Albans (Anh), cho biết định nghĩa của Từ điển Oxford về bệnh “rất mơ hồ, đến nỗi chúng ta có thể phân loại hầu hết mọi thứ là bệnh”.
Ông viết trên BMJ: “Dán nhãn béo phì như một căn bệnh có nguy cơ làm giảm quyền tự chủ, không cho phép và cướp đi của mọi người động lực nội tại - một yếu tố quan trọng của sự thay đổi. Nó khuyến khích thuyết định mệnh, thúc đẩy ngụy biện rằng di truyền là số phận”.
Tiến sĩ Pile cho biết đề xuất kia sẽ khiến mọi người tự mãn về việc giảm cân. Trong khi đó, “tự quyết là điều tối quan trọng khi nói đến việc các cá nhân kiểm soát cuộc sống và đưa ra quyết định tốt nhất cho chính họ”.
Theo Thanh Niên