Đuối nước ở trẻ thường dẫn đến tử vong
Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ... mà còn có thể xảy ra ngay tại nhà, nơi làm việc hoặc ở trường học... Nguyên nhân khiến trẻ bị đuối nước thương tâm phải kể đến như: Trẻ không biết bơi hoặc bơi yếu, trẻ chưa được trang bị kỹ năng cứu người, trẻ không được dạy những kỹ năng đánh giá môi trường nguy hiểm để tránh… Thậm chí, việc sơ cấp cứu khi trẻ bị đuối nước ở người lớn cũng không thực hiện đúng.
Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, kêu cứu luôn là điều đầu tiên phải nhớ khi bạn gặp bất kỳ tình huống khẩn cấp nào. Cần hô to cho nhiều người đến giúp, gọi đến trung tâm y tế để được sự hỗ trợ kịp thời của nhân viên y tế.
Nếu chỉ có một mình, hãy bình tĩnh thực hiện tiếp các bước sau:
Sơ cứu đuối nước
- Cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước càng nhanh càng tốt, dùng tàu, thuyền, phao cứu hộ… Tuy nhiên, nhớ chú ý đến sự an toàn của bạn.
- Chú ý không xốc nước hay hơ lửa. Vì hai biện pháp này không có hiệu quả, mà còn làm mất đi thời gian quý báu hồi sức cho trẻ.
- Cần lay gọi trẻ, cụ thể lay mạnh hai vai, gọi nạn nhân. Bấm mạnh vào các đầu ngón tay của nạn nhân; Day mạnh vào vùng trên xương ức.
- Nếu trẻ tỉnh, nhanh chóng giữ ấm bằng chăn, thay quần áo hay bất cứ vật gì có sẵn, tránh để trẻ bị hạ thân nhiệt.
- Đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được kiểm tra.
- Hãy kiểm tra nhịp thở và mạch của trẻ bằng cách kiểm tra nhịp thở; Áp sát tai vào mũi hoặc miệng của trẻ để cảm nhận hơi thở; Nhìn sự di động lên xuống của lồng ngực hoặc bụng.
+ Nếu trẻ còn thở thì kiểm tra mạch.
+ Nếu trẻ không còn thở thì kiểm tra vùng miệng, họng, mũi của trẻ xem có dị vật không, nếu có dị vật dùng tay hoặc vật mềm lấy sạch dị vật, giúp thông thoáng đường thở.
Sau đó ngửa đầu, nâng cằm, hít một hơi bình thường, đặt miệng vừa kín miệng trẻ và thổi. Sau đó, thở ra 2 giây, quan sát sự di động của lồng ngực trẻ, có nâng lên là có hiệu quả. Tiếp tục động tác 5 lần, sau đó kiểm tra mạch.
+ Kiểm tra mạch bằng cách đặt 3 ngón tay giữa của bạn vào vùng hai bên cổ, dưới cằm để kiểm tra động mạch cảnh. Nếu mạch đập bình thường thì tiếp tục hà hơi thổi ngạt đến khi bệnh nhân trở về bình thường hoặc nhân viên y tế đến. 5 phút kiểm tra mạch một lần.
+ Nếu trẻ không có mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo.
Đối với trẻ lớn cần đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng và lay gọi trẻ. Đồng thời lấy gốc bàn tay phải của bạn đặt ở vị trí 1/2 dưới xương ức, đặt bàn tay trái lên tay phải siết chặt. Ấn 30 lần, độ sâu 1/3 lồng ngực. Sau đó ngửa đầu ra sau, nâng cằm, mở miệng và véo nhẹ phần mềm của mũi, cung cấp 2 nhịp thở. Lặp lại trình tự cho đến khi bệnh nhân tỉnh lại hoặc nhân viên hỗ trợ y tế đến.
Đối với trẻ nhỏ hơn cần đặt nạn nhân nằm ngửa, đặt ngón trỏ và ngón giữa của bạn trên nửa dưới của xương ức. Ấn 30 lần, độ sâu 1/3 lồng ngực. Sau đó hơi ngửa đầu ra sau, nâng cằm để lưỡi di chuyển khỏi phía sau cổ họng. Cung cấp hai hơi thở nhẹ (không nên thở hết hơi vì điều này có thể làm tổn thương phổi của trẻ nhỏ). Lặp lại trình tự trên cho đến khi trẻ tỉnh lại hoặc nhân viên y tế đến
- Nếu nạn nhân tỉnh lại hãy để họ nằm nghiêng về một bên để dễ thở và đảm bảo không bị sặc do nước trào ngược. Đảm bảo bệnh nhân được hỗ trợ và kiểm tra y tế.
Nguyên tắc phòng ngừa đuối nước ở trẻ
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên; không được đi tắm, đi bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
- Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu... để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ không mở nắp được.
- Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh, cửa phải có khóa để trẻ không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
- Cần học cách sơ cứu ban đầu khi phát hiện trẻ đuối nước và nhân viên y tế chưa đến kịp thời.
Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước tràn vào phổi hoặc tắc đường hô hấp do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Khi bị ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ.
Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Nếu tình trạng ngừng thở kéo dài từ 20 giây đến 2 - 5 phút, đến ngưỡng nhịp thở xuất hiện trở lại, nước tràn vào đường hô hấp gây co thắt thanh quản tức thì, xuất hiện tiếp cơn ngưng thở lần 2, rồi lặp lại tương tự khiến cho nước, dị vật vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.
|
Theo suckhoedoisong.vn