|
|
Trẻ em béo phì có thể mắc nhiều bệnh mạn tính khi trưởng thành |
Bệnh đa xơ cứng (ĐXC) có thể ảnh hưởng đến não và tủy sống, gây ra một loạt triệu chứng tiềm ẩn bao gồm các vấn đề về thị lực, cử động tay hoặc chân, cảm giác hoặc thăng bằng. Triệu chứng kéo dài suốt đời và đôi khi có thể gây khuyết tật nghiêm trọng.
Bằng chứng trước đây cho thấy chỉ số khối cơ thể (BMI) cao ở tuổi thiếu niên và nguy cơ mắc bệnh ĐXC có mối liên hệ với nhau. Các nhà nghiên cứu từ Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển đã đánh giá nguy cơ phát triển ĐXC ở một nhóm trẻ béo phì.
Nhóm nghiên cứu xem xét dữ liệu về trẻ em từ 2 - 19 tuổi tham gia chương trình từ năm 1995 - 2020 và so sánh thông tin này với thông tin của trẻ em nói chung.
Nhóm tác giả dùng dữ liệu của hơn 21.600 trẻ em mắc bệnh béo phì, bắt đầu điều trị béo phì khi ở độ tuổi trung bình là 11, cùng hơn 100.000 trẻ em không bị béo phì.
Trẻ tham gia nghiên cứu được theo dõi trong thời gian trung bình 6 năm. Trong thời gian theo dõi, bệnh ĐXC được chẩn đoán ở 28 người mắc bệnh béo phì (0,13% trong nhóm) và 58 người ở nhóm không béo phì (0,06%). Độ tuổi trung bình được chẩn đoán ĐXC tương đương giữa các nhóm, với bệnh nhân được chẩn đoán trung bình khi họ 23 tuổi.
Các tác giả cho biết: “Mặc dù thời gian theo dõi còn hạn chế, nhưng có thể thấy rằng béo phì ở thời thơ ấu làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh ĐXC”.
Thành viên nhóm nghiên cứu, phó giáo sư Emilia Hagman và giáo sư Claude Marcus, giải thích: “Một trong những tác động của bệnh béo phì ở thời thơ ấu là nó gây ra tình trạng viêm mạn tính ở mức độ thấp, và rất có thể tình trạng viêm này làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh, bao gồm đa xơ cứng”.
Họ nói thêm: “Chúng tôi cũng tin rằng tình trạng viêm mạn tính ở mức độ thấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như hen suyễn, viêm khớp, tiểu đường type 1 và một số bệnh ung thư. Do đó, giảm cân sẽ làm giảm tình trạng viêm và có thể làm giảm nguy cơ trẻ mắc các bệnh trên”.
Theo phụ nữ TPHCM