Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến trẻ vị thành niên lớn hơn

Trẻ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhiều hơn người trưởng thành

Đại dịch kéo dài trên thế giới khiến cho cuộc sống của các phụ huynh quá căng thẳng. Sau nhiều lần giãn cách xã hội hoặc phong tỏa kéo dài, nhiều cha mẹ không còn quan tâm nhiều đến việc con trẻ có đến trường hay phải học từ xa. 

Cha mẹ, nhà trường có thể nghĩ rằng trẻ nhỏ “có chuyện gì mà lo”. Thế nhưng, tình hình bất ổn kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên, khiến nhiều em lo lắng, buồn bã và hoảng sợ.

Thực tế, những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với một số trẻ nhỏ và thanh thiếu niên thậm chí còn lớn hơn với người trưởng thành.

Các rối loạn tâm lý thường xảy ra trong độ tuổi vị thành niên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 10-20% thanh thiếu niên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thêm một trận đại dịch nhiều căng thẳng nữa thực sự là quá sức của các em.

Giao tiếp xã hội là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành. Làm sao để giải thích với trẻ nhỏ lý do chúng không thể chơi với bạn bè cùng trang lứa? Làm sao trẻ có thể nhìn được nét mặt của người khác khi họ đeo khẩu trang? Làm sao để gặp bạn, tạo dựng quan hệ mới khi liên tục phải giãn cách xã hội và học trực tuyến?

Một số trẻ cũng lo lắng về tương lai của chúng và đối mặt với sự sợ hãi. Với những trẻ trong gia đình có cha mẹ bị mất việc, gặp khó khăn trong công việc hay có người thân gặp vấn đề về sức khỏe, mọi thứ còn nặng nề hơn.

Theo khảo sát của một bệnh viện nhi ở Chicago (Mỹ), 63% phụ huynh nhận thấy những đứa con tuổi teen sử dụng mạng xã hội nhiều hơn trong thời gian xảy ra đại dịch.

“Tỷ lệ lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, nghĩ đến việc tự tử hiện cao chưa từng thấy”, Tiến sĩ Moe Gelbard, Giám đốc phụ trách Hành vi sức khỏe ở Trung tâm y tế Torrance Memorial (California, Mỹ) cho biết.

Trong một cuộc khảo sát trên giới trẻ vào giữa năm 2020 ở Mỹ, cứ 4 người thì có 1 người ở lứa tuổi từ 18-24 nghĩ đến việc tự tử trong 30 ngày trước khi cuộc khảo sát diễn ra.

Một cuộc khảo sát trực tuyến ở Trung Quốc được thực hiện trên 8.000 học sinh ở lứa tuổi từ 12-18 đến từ 20 tỉnh thành, có đến 44% bị trầm cảm từ mức độ nhẹ đến nặng và 37% có dấu hiệu trầm cảm và rối loạn lo âu. Trong khi đó, trước khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ trầm cảm trung bình ở trẻ em (từ mẫu giáo đến lớp 12) là 15%.

Vấn đề nghiêm trọng hơn với học sinh nữ và học sinh trung học - đối tượng vốn đã căng thẳng nhiều vì chuyện thi cử và chuẩn bị vào đại học. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Có thể là do trẻ lo lắng sẽ mắc bệnh, hoặc có thể do cách ly xã hội, dành quá nhiều thời gian cho màn hình và mạng xã hội hay lo sợ việc gia đình mất thu nhập.

Với các sinh viên quốc tế, chuyện học hành không phải là mối lo lớn nhất mà là thủ tục nhập cảnh, sự an toàn và sức khỏe. Theo một nghiên cứu của Đại học California, một phần tư sinh viên quốc tế lo lắng về chủ nghĩa bài ngoại, sự quấy rối và phân biệt đối xử. 17% sinh viên đại học và 12% học viên cao học cho biết đã đối mặt với các hành vi đe dọa, thù địch hoặc tấn công do quốc tịch của họ. Với sinh viên đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, từ 22-30%.

Điều đáng lo ngại là những khó khăn cảm xúc, sự đau buồn trong thời gian ngắn có thể dẫn đến những vấn đề đeo đẳng suốt đời. Khi đại dịch dịu đi, các rối loạn cảm xúc chưa hẳn sẽ biến mất một cách dễ dàng.

Các nhà tâm lý và chuyên gia về phát triển cũng khuyến khích phụ huynh đừng quên kết nối với trẻ trong thời gian khó khăn này. Việc được trò chuyện, cùng nhau tham gia các hoạt động sẽ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và tìm được cảm giác an toàn.

Do đó, cần ủng hộ trẻ kết nối, xây dựng tình bạn hay giữ liên lạc với những người quan trọng. Duy trì những sở thích lành mạnh cũng giúp trẻ kiểm soát cảm xúc và hành vi. Hãy khuyến khích trẻ khám phá âm nhạc, nghệ thuật, đánh cờ, nấu ăn, đọc sách… và tập thể dục thể thao.

Trầm cảm là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng, cần được phát hiện sớm. Cha mẹ phải chú ý đến những thay đổi hành vi cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các dấu hiệu sau đây có thể cho biết trẻ nhỏ (hoặc trẻ vị thành niên) bị trầm cảm, đặc biệt khi các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần:

- Kết quả học tập xuống dốc

- Buồn bã và mất hy vọng

- Khó chịu, giận dữ, thù địch

- Thường xuyên khóc

- Xa lánh bạn bè và gia đình

- Không còn hứng thú với các hoạt động

- Thiếu nhiệt tình hoặc động lực

- Thay đổi thói quen ăn ngủ

- Bồn chồn và kích động

Theo phunuonline