Trẻ có thể có kháng thể và virus gây Covid-19 cùng lúc
Cập nhật lúc 14:54, Thứ sáu, 11/09/2020 (GMT+7)
Trong lúc tìm hiểu về thời gian bao lâu bệnh nhi mắc Covid-19 loại bỏ được vi rút khỏi cơ thể và thời điểm nào cơ thể trẻ bắt đầu tạo ra kháng thể chống vi rút, các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi quốc gia Mỹ phát hiện vi rút và kháng thể có thể cùng tồn tại ở bệnh nhi.
Nhà khoa học nghiên cứu về Covid-19 - ẢNH MINH HỌA: AFP
“Với hầu hết các loại vi rút, khi bạn bắt đầu phát hiện kháng thể, bạn sẽ không phát hiện ra vi rút nữa. Nhưng với Covid-19, chúng tôi thấy cả hai. Điều này có nghĩa là trẻ vẫn có khả năng truyền vi rút ngay cả khi đã có kháng thể”, trưởng nhóm nghiên cứu Burak Bahar cho hay.
Bà Bahar cho biết thêm giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu sẽ là kiểm tra xem liệu vi rút Corona chủng mới gây Covid-19 tồn tại cùng các kháng thể có thể lây lan sang người khác hay không. Hiện chưa rõ liệu kháng thể có tương quan với khả năng miễn dịch hay không, và thời gian tồn tại của kháng thể cùng khả năng bảo vệ khỏi tái nhiễm kéo dài bao lâu.
Nghiên cứu trên phân tích dữ liệu của 6.369 trẻ mắc Covid-19 và 215 bệnh nhi đã trải qua xét nghiệm kháng thể tại Bệnh viện Nhi quốc gia Mỹ từ ngày 13.3 - 21.6.2020. Trong số 215 bệnh nhi, 33 trẻ được xét nghiệm đồng thời cả vi rút và kháng thể trong suốt quá trình mắc bệnh. Có 9 trong số 33 bệnh nhi cho thấy sự hiện diện của kháng thể trong máu và sau đó cũng cho kết quả dương tính với vi rút. “Điều rút ra ở đây là chúng ta không thể mất cảnh giác chỉ vì trẻ có kháng thể hoặc không còn biểu hiện triệu chứng. Giữ vệ sinh tốt và duy trì giãn cách xã hội vẫn rất quan trọng”, tiến sĩ Bahar giải thích.
Nghiên cứu cũng đánh giá thời gian đào thải vi rút và phản ứng miễn dịch. Các chuyên gia phát hiện thời gian trung bình từ dương tính với vi rút đến âm tính (tức khi vi rút không còn được tìm thấy nữa) là 25 ngày. Thời gian trung bình để kháng thể hiện diện trong máu là 18 ngày, trong khi thời gian trung bình để đạt đủ mức kháng thể trung hòa là 36 ngày. Các kháng thể trung hòa rất quan trọng vì giúp bảo vệ cơ thể khỏi tái nhiễm cùng một loại vi rút.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy bệnh nhi từ 6 - 15 tuổi mất nhiều thời gian hơn để loại bỏ vi rút (trung bình là 32 ngày) so với bệnh nhân từ 16 - 22 tuổi (trung bình là 18 ngày). Các bé gái trong độ tuổi 6 - 15 cũng mất nhiều thời gian hơn để loại bỏ vi rút so với bệnh nhi nam (trung bình ở nữ là 44 ngày và ở nam là 25,5 ngày). Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra sự khác biệt này. Công trình nghiên cứu này được công bố trên chuyên san Journal of Pediatrics.
Theo thanhnien