Trước đó, phụ huynh tự ra tiệm mua thuốc xử trí triệu chứng của bệnh và theo dõi con như mắc tay chân miệng (TCM). Tới khi tình trạng bé nặng nề, cha mẹ mới đưa đi bác sĩ khám. 

Cách đây vài ngày, bé gái N.N.Y. (22 tháng tuổi, quê ở tỉnh Đắk Lắk) được mẹ đưa đi khám vì loét miệng. Mẹ bé kể rằng con ho, sổ mũi suốt 3 ngày nên đã tự mua thuốc về trị ho cho bé. Một ngày sau, miệng Y. bị loét. Mẹ ra tiệm thuốc báo em bé loét miệng thì được người bán thuốc nói là bé bị TCM rồi bán thêm thuốc. Người mẹ cũng đoán Y. bị TCM bởi ở lớp mẫu giáo có 1 bé bị TCM. Nhưng hôm sau, bé loét miệng nhiều hơn, đừ mệt. Tại bệnh viên, bác sĩ chẩn đoán Y. mắc hội chứng Steven Johnson (một hội chứng đặc trưng bởi các thương tổn đa dạng ở da và niêm mạc. Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc, một số do nhiễm khuẩn, bệnh ác tính hoặc tự phát), phải nhập viện điều trị. 

Trước đó, ca bị hội chứng Steven Johnson nặng nhất mà bác sĩ Nhã Khanh từng gặp là bé gái N.T.K.M. - 14 tuổi, ngụ tại tỉnh Gia Lai. Bệnh nhi có cơ địa béo phì, được đưa tới bệnh viện trễ nên bị bóng nước thượng bì toàn thân, gây đau đớn. Người nhà cho biết, mỗi lần M. bị ho sốt thì mẹ đều mua thuốc cho em uống. Thi thoảng, em cũng bị nổi mề đay rồi tự khỏi. Lần này là nặng nhất, em bị nổi bóng nước ở miệng và lan ra toàn thân. 

Theo bác sĩ Nhã Khanh, sở dĩ phụ huynh nhầm lẫn triệu chứng của Steven Johnson với bệnh TCM vì bây giờ đang là mùa dịch TCM. Đối với các bé ở độ tuổi nhà trẻ, khi phát hiện loét miệng, đa số phụ huynh sẽ ra nhà thuốc và miêu tả triệu chứng định hướng đến bệnh đang phổ biến. Mà Steven Johnson thì có biểu hiện ban đầu là xuất hiện hồng ban và các sang thương giữa mặt như tại vùng miệng. 

Thực tế cho thấy bệnh của trẻ em 80% do siêu vi gây ra, nhất là các bé từ 6 tháng đến 6 tuổi. Tại Việt Nam, tình trạng lạm dụng kháng sinh vô cùng phổ biến. Cứ ho kèm theo sốt là trong số thuốc mua ở nhà thuốc thế nào cũng có kháng sinh. Các bác sĩ đã cảnh báo rất nhiều về tác hại của việc dùng kháng sinh bừa bãi. Điển hình trong những hậu quả đó chính là hội chứng Steven Johnson. Phản ứng dị ứng với thuốc là nguyên nhân thường gặp của hội chứng này. 

Các bệnh nhân mắc hội chứng Steven Johnson cần được phát hiện sớm và nhập viện để được can thiệp đúng cách, nếu không diễn tiến sẽ khó lường. 

Bác sĩ Nhã Khanh nhắn nhủ các phụ huynh, nếu sau khi trẻ uống thuốc bị nổi mề đay nhẹ rồi tự khỏi thì không được bỏ qua dấu hiệu này. Dị ứng giai đoạn đầu thường nhẹ, chỉ nổi mề đay. Tuy nhiên, những lần sau tiếp xúc lại với kháng sinh đó, trẻ sẽ dị ứng nặng nề hơn. Ở nhiều trẻ nhập viện, khi bác sĩ khai thác bệnh sử thì đều được gia đình kể là từng có dị ứng hay phản ứng phản vệ nhẹ mỗi lần uống loại thuốc này. 

Theo phụ nữ TPHCM