Vào năm 2018, Đại học Monash (Úc) đã tiến hành một chương trình nghiên cứu mang tên Câu lạc bộ Học tập, đây là dự án đầu tiên trên thế giới với đối tượng là phụ nữ đang sinh sống ở các xã nông thôn Việt Nam. Dưới sự tài trợ của Hội đồng nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Úc (NHMRC), dự án đã chọn ra 1253 phụ nữ mang thai dưới 20 tuần sống tại 84 xã của tỉnh Hà Nam, Việt Nam. Các chương trình của Câu lạc bộ Học tập xoay quanh các nội dung về dinh dưỡng, cách chăm sóc và chơi với trẻ, sức khỏe và phòng tránh bạo lực gia đình trong suốt thời gian kể từ khi mang thai cho đến khi trẻ được 1 tuổi.

Kết quả từ chương trình cho thấy những trẻ có bố mẹ tham gia Câu lạc bộ học tập có sự cải thiện về não bộ với khả năng phát triển nhận thức, ngôn ngữ và vận động tốt hơn đáng kể khi lên 2 tuổi so với những trẻ khác. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health.

Giai đoạn 1000 ngày đầu đời, tính từ khi thụ thai đến 2 tuổi là giai đoạn quan trọng quyết định sự phát triển của trẻ nhỏ. Ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, ước tính hàng năm có hơn 250 triệu trẻ không đạt được tiềm năng phát triển.

Trong chương trình nghiên cứu, người ta phân chia ngẫu nhiên một nửa số xã chỉ được tiếp nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông thường và nửa còn lại được tham gia Câu lạc bộ Học tập. Phụ nữ sống trong các xã có Câu lạc bộ Học tập được dạy cách giảm thiểu 8 rủi ro chính đối với sự phát triển của trẻ nhỏ: hội chứng thai chậm phát triển, suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu i-ốt, chăm sóc thiếu phản ứng, không đủ kích thích nhận thức, các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người mẹ và bạo lực gia đình.

1

Một tiết học của Câu lạc bộ Học tập

Các tiết học của Câu lạc bộ Học tập do các thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam điều phối, cùng với sự hỗ trợ của một nhân viên y tế xã và một giáo viên mẫu giáo. Họ sử dụng các bài nói chuyện ngắn, video, thực hành, nhập vai và thảo luận về các vấn đề phổ biến. Sau buổi học, các gia đình được phát tranh ảnh tóm tắt về nội dung được học trên lớp để mang về nhà.

Chương trình diễn ra từ giữa thai kỳ đến 12 tháng sau sinh. Trong những tuần đầu sau sinh của người tham gia, ban tổ chức đã tiến hành 19 buổi họp nhóm và 1 buổi tới thăm nhà. Trẻ ở cả hai nhóm được tiến hành kiểm tra về phát triển nhận thức, xã hội, vận động và ngôn ngữ khi lên 2 tuổi.

Chương trình Câu lạc bộ Học tập được thực hiện nhằm mục đích giúp người tham gia thay đổi hành vi thông qua nâng cao kiến thức và xây dựng kỹ năng. Đối với phụ nữ, những bài học bao gồm việc tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe, thăm khám, khả năng chăm sóc trẻ, sự nhạy cảm và phản ứng nhanh khi chăm sóc trẻ. Đối với nam giới, những bài học bao gồm việc chăm sóc và tránh các hành vi kiểm soát đối với vợ, tham gia vào công việc gia đình và chăm sóc con cái.

Giáo sư Jane Fisher đến từ Trường Y tế Công cộng và Y tế Dự phòng, Đại học Monash là người dẫn đầu dự án này. Chương trình có sự hợp tác tham gia của các chuyên gia đến từ Việt Nam, Úc, Zimbabwe, Vương quốc Anh, Bỉ và UNICEF tại Mỹ.

Theo Giáo sư Jane Fisher, 8 rủi ro chính đối với sự phát triển của trẻ nhỏ đang phổ biến trên toàn cầu, nhưng phụ nữ mang thai ở các nước có thu nhập thấp và trung bình có tỉ lệ gặp những rủi ro này cao hơn so với phụ nữ ở các nước có thu nhập cao. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ, nghèo đói, bạo lực, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và không được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ chăm sóc sức khỏe - xã hội.

Giáo sư Fisher nói thêm, do sự tăng trưởng thể chất và phát triển não bộ diễn ra rất nhanh chóng trong 1000 ngày đầu đời nên 8 rủi ro trên có tác động lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ. Các biện pháp can thiệp trước đây đã giải quyết được 1 hoặc 2 rủi ro, nhưng cho đến nay chưa có biện pháp nào giải quyết được cả 8 rủi ro. Kết quả của chương trình nghiên cứu cho thấy những lợi ích rõ ràng đối với sự phát triển của trẻ mặc dù không có sự khác biệt về chiều cao và cân nặng giữa 2 nhóm nghiên cứu.

Theo giadinhonline.vn