Trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ tự tử
Cập nhật lúc 14:30, Thứ hai, 23/09/2024 (GMT+7)
Theo nghiên cứu ở Mỹ, tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 10 đến 14 tuổi, nhóm trẻ có tỷ lệ rối loạn giấc ngủ cao.
|
|
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng giấc ngủ có thể là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến tự tử ở thanh thiếu niên |
Nếu con bạn thỉnh thoảng gặp vấn đề về giấc ngủ, bạn sẽ nghĩ rằng một ngày nào đó chúng sẽ vượt qua. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với những trẻ có vấn đề về giấc ngủ: chúng sẽ có ý định tự tử hoặc cố gắng tự tử cao hơn khi chúng lớn hơn.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, việc bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng ở tuổi lên 10 có liên quan đến nguy cơ cao gấp 2,7 lần về ý định tự tử, và hành vi cố gắng tự tử 2 năm sau đó.
Theo nghiên cứu, tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 10-14 tuổi, nhóm trẻ có tỷ lệ rối loạn giấc ngủ cao. Và các rối loạn giấc ngủ cũng là một yếu tố nguy cơ đối với hành vi tự tử ở người lớn, bất kể người đó có triệu chứng trầm cảm hay không.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ hơn 8.800 trẻ em, được tuyển dụng bởi Nghiên cứu phát triển nhận thức não bộ ở thanh thiếu niên trên khắp Hoa Kỳ khi chúng 9-10 tuổi, với bảng câu hỏi về sức khỏe giấc ngủ như: ngủ thiếp hay ngủ sâu, thức giấc, rối loạn giấc ngủ, đổ mồ hôi quá nhiều khi ngủ... Các tác giả cũng thu thập thông tin chi tiết về tiền sử gia đình mắc bệnh trầm cảm, xung đột gia đình và cả sự giám sát của cha mẹ.
2 năm sau, những đứa trẻ có giấc ngủ bình thường (chiếm 91,3%) không có ý định tự tử. Nhưng trong số những trẻ có tình trạng mất ngủ nghiêm trọng thì đã từng có ý định hoặc hành động tự tử.
Ngoài ra, việc gặp ác mộng hàng ngày còn có liên quan đến nguy cơ thực hiện hành vi tự tử cao gấp 5 lần.
Tiến sĩ Christopher Willard - một nhà tâm lý học tại Massachusetts, giảng dạy về tâm thần học tại Trường Y Harvard ở Boston - cho biết: “Bộ não thay đổi nhiều trong những năm đầu đời, đó là lý do tại sao độ tuổi này cần ngủ nhiều để phát triển”.
Giúp trẻ có thói quen tốt vào ban đêm để hỗ trợ giấc ngủ lành mạnh
Theo tiến sĩ Rebecca Berry, phụ huynh hãy tạo thói quen cho con thư giãn một giờ trước khi đi ngủ. Nên hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử, làm bài tập về nhà và hoạt động thể chất càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, cũng nên thư giãn nhẹ nhàng như đọc sách, viết nhật ký hoặc nghe nhạc êm dịu.
Bà nói thêm rằng vệ sinh giấc ngủ cũng được hỗ trợ thông qua các thói quen lành mạnh trong ngày - chẳng hạn như tập thể dục, tắm nắng, quản lý căng thẳng và tránh ngủ trưa.
Tiến sĩ Christopher Willard thì cho rằng: "Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần và chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy thói quen ngủ của con mình thay đổi đáng kể, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa, đồng thời cân nhắc các cách điều chỉnh thói quen ngày và đêm”.
Các chuyên gia và người thân phải nhận biết được những dấu hiệu cảnh báo cho thấy trẻ có ý định tự tử như: thay đổi tâm trạng cực độ, tuyệt vọng hoặc mất hứng thú với các hoạt động. Hãy trò chuyện cởi mở với con về sức khỏe tâm thần của chúng, và tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia.
|
Theo phụ nữ TPHCM