Một bác sĩ người Palestine điều trị cho một em bé sinh non tại Bệnh viện Al Aqsa ở Deir al Balah, Dải Gaza, Chủ nhật, ngày 10 tháng 12 năm 2023. (Ảnh AP / Adel Hana)
Bác sĩ người Palestine chăm sóc em bé sinh non tại Bệnh viện Al Aqsa vào ngày 10/12

 

Cuộc giao tranh ở Gaza đã biến việc sinh con và làm cha mẹ của vợ chồng trẻ người Palestine, Salim và Israa al-Jamala, trở thành khoảng thời gian căng thẳng nhất.

Đầu tiên, họ phải trải qua một hành trình tìm nơi sinh đầy nguy hiểm. Chị Israa (26 tuổi) phải vất vả lê từng bước chân, trốn khỏi những khu vực nguy hiểm để đến được phòng hộ sinh. Và sau những giờ đau đớn, mệt mỏi chuyển dạ, chưa kịp phục hồi họ lại gom đồ để đi tìm nơi trú ẩn.

Bây giờ, cả hai đang trú ẩn cùng đứa con mới sinh ngoài sân có lều tạm, nơi họ không thể chăm sóc chu đáo cho đứa con gái 3 tuần tuổi.

Salim (29 tuổi) vỗ về đứa con nhỏ được quấn trong chiếc khăn rách cho biết vợ anh thiếu sữa cho con bú do không có thức ăn. Sữa công thức và thuốc chữa ho dai dẳng cho đứa trẻ mới sinh đang bị cảm lạnh cũng không có.

Theo các quan chức y tế ở Gaza, cuộc xung đột bùng nổ vào ngày 7/10 đã gây ra sự tàn phá không thể tưởng tượng được, với hơn 18.000 người Palestine thiệt mạng và gần 50.000 người bị thương. Cuộc tấn công ban đầu của Hamas cũng đã giết chết khoảng 1.200 người ở Israel, hầu hết là dân thường.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, giữa sự tàn phá, khoảng 5.500 ca được dự sinh trong tháng tới, trong số khoảng 50.000 thai phụ ở Gaza.

Tuy nhiên, ngành y tế gần như sụp đổ, với 2/3 trong số 36 bệnh viện ở Gaza không còn hoạt động. Ngay cả các bệnh viện đang hoạt động, bác sĩ cũng cho biết tình trạng thiếu các loại thuốc cơ bản và loại thiết bị cần thiết để điều trị cho trẻ sơ sinh, bao gồm máy thở, sữa công thức và thuốc khử trùng.

Wisam Shaltout - người đứng đầu khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Al-Aqsa ở Deir al-Balah, trung tâm Gaza - nói: “Chúng tôi hiện không có gì cả”.

Salim kể, hành trình di tản và sinh con trong cuộc chiến của vợ chồng anh bắt đầu vào giữa tháng 10. Trong thời gian đó, quân đội Israel đã đưa ra cảnh báo nên di tản đến nơi an toàn, vợ chồng anh và đứa con trai 5 tuổi rời khỏi nhà ở khu phố Sheikh Radwan và đi bộ về phía nam. Gia đình họ đến Bệnh viện Al-Aqsa - nơi họ tìm thấy chỗ trú ẩn.

Khi Israa chuyển dạ vào ngày 23/11, anh chị được yêu cầu đến Bệnh viện Al-Awda vì nơi đây vẫn còn phòng hộ sinh. Vợ chồng trẻ đã tìm được xe cứu thương từ thiện đưa đi nhưng đó là một hành trình đáng sợ kéo dài khi đoạn đường chỉ có 6km mà họ phải đi hơn 1 giờ vì có 3 cuộc không kích xảy ra trên đường.

Những đứa trẻ trong phòng tị nạn
Những đứa trẻ trú tạm trong trường học

 

Tiến sĩ Yasmin Kafarneh, người điều hành khoa sản tại Al-Awda, cho biết, một số thai phụ quá sợ hãi và sốc khi chuyển dạ. Cô kể, trước khi cuộc xung đột xảy ra, trung bình mỗi ngày phòng sinh chỉ có 6 ca sinh nở. Nhưng giờ đây, phụ nữ mang thai từ khắp nơi tìm đến và hơn 70 em bé chào đời mỗi ngày.

Với điều kiện hiện tại, những bà mẹ sinh con đầu lòng được phép ở lại bệnh viện khoảng 4 giờ sau khi sinh, trong khi những người sinh con lần thứ hai trở lên thì chỉ được ở lại bệnh viện khoảng 2 giờ.

Điển hình như Israa, sinh con vào lúc 2g sáng ngày 24/11 và đến khi rạng đông, họ được thông báo phải rời đi để nhường chỗ cho người khác.

Họ thuê một chiếc xe lừa để về nơi trú ẩn. Họ không có thứ gì để ăn, có ngày chỉ có hành.

Hàng xóm của anh chị đốt lửa để giữ ấm trong mùa đông, đôi khi đốt nhựa thải ra khói độc. Salim nói: “Không khí ở đây toàn là khói, toàn bụi. Đây không phải là môi trường thích hợp cho một em bé mới sinh!”.

Salim cho biết sức khỏe của cô con gái nhỏ ngày càng xấu đi, khi bé bị cảm lạnh và có những cơn ho dai dẳng. Với hoàn cảnh hiện tại, Salim cho biết anh đã làm hết sức có thể. “Tôi không biết liệu ngày mai con bé có còn sống hay không” - anh nói trong lo lắng.

Theo phụ nữ TPHCM