Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nuôi con bằng sữa mẹ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo tạp chí Lancet 2016 nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm chi phí y tế và góp phần tạo nên một lực lượng lao động chất lượng hơn. Trẻ không được bú sữa mẹ có nhận thức thấp hơn và cái giá phải trả cho nhận thức thấp hơn là khoảng 300 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm 0,49 tổng thu nhập quốc dân.
Nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học y tế hàng đầu ở Đông Nam Á, ước tính nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu có thể tiết kiệm được 23,36 triệu đô la Mỹ chi tiêu cho hệ thống y tế mỗi năm do điều trị các bệnh nhi, đồng thời tránh thất thoát khoảng 70,4 triệu đô la Mỹ quỹ lương hàng năm nếu cải thiện được khả năng học tập của trẻ em ở Việt Nam. Một phân tích mới chỉ ra rằng chỉ cần đầu tư mỗi năm 4,70 đô la Mỹ cho một trẻ sơ sinh là đã giúp tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đối với trẻ dưới sáu tháng tuổi lên 50% đến năm 2025.
Ảnh: UNICEF Việt Nam/Trương Việt Hùng.
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến cũng thông tin, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Trong sữa mẹ có kháng thể là yếu tố bảo vệ cơ thể trẻ mà không một thức ăn nào có được. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh. Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, eczema như ăn sữa bò.
Cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế vì không phụ thuộc và giờ giấc, không cần phải chế biến, không cần dụng cụ pha chế, mà lại rất tiện lợi. Trẻ bú sữa mẹ sẽ thuận lợi, kinh tế hơn nhiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi người mẹ ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái sẽ có đủ sữa cho con bú.
Theo unicef, còi cọc hoặc suy dinh dưỡng mãn tính vẫn là một lo ngại chính, vì Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất. Việt Nam là nơi có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài.
Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ bị còi cọc cao gấp 3 lần so trẻ em từ các hộ gia đình khá giả hơn, vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc nơi có nhiều người dân tộc thiểu số là khu vực có tỉ lệ cao nhất. Trong số các nhóm dân tộc thiểu số này, người Mông có tỷ lệ cao nhất (65%).
Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng vẫn rất phổ biến, tỉ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 28% và 31% ở khu vực miền núi nơi có người dân tộc thiểu số, trong khi 32% phụ nữ mang thai bị xếp loại thiếu máu. Chỉ một phần tư trẻ em dưới sáu tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn và 59% được hưởng lợi từ chế độ ăn dặm đa dạng và đầy đủ.
Unicef khẳng định, cho con bú là sự khởi đầu dinh dưỡng tốt nhất để trẻ sống sót và phát triển mạnh mẽ.
Theo suckhoedoisong.vn