Trầm cảm đến từ nhiều nguyên nhân
Bị trầm cảm từ những năm phổ thông, N.M.T (chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ, Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) cho hay nguyên nhân đến từ sự không hiểu nhau giữa gia đình, bạn bè. “Lúc đó tôi không có ai cùng chia sẻ, không tìm được lý do để tiếp tục sống”, T. tâm sự, cho hay điều này khiến cô mất ngủ và khả năng tập trung trong sinh hoạt, học tập suốt thời gian dài.
Để chữa trị, T. phải tìm đến phòng khám tâm lý và uống thuốc chống trầm cảm. Nhưng sau một thời gian, nữ sinh thấy không hợp với điều trị thuốc. “Tôi bắt đầu học cách chấp nhận những khuyết điểm của mình lẫn mọi người xung quanh và đây là ‘kim chỉ nam’ để tôi vượt qua trầm cảm”, T. chia sẻ, đồng thời nhận định “văn hoá an ủi” rất quan trọng khi bạn bè, người thân muốn đồng hành cùng người bệnh.
|
Sự thiếu thấu hiểu, bắt nạt học đường,... là những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
|
Bắt nạt học đường cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, theo M.H (16 tuổi, TP.Đà Nẵng). Một năm trước, H. đã bị một nhóm nữ sinh trong lớp thực hiện đủ hành vi như ghi xấu trên bàn học, cửa sổ, nhốt lại trong phòng khi trực nhật,... “Dù không bị đánh đập nhưng điều này cũng khiến em dần tự ti, sợ hãi và cả trầm cảm. Mỗi khi đi học về, em lại lên phòng đóng cửa khóc, không biết phải làm sao...”, H. trải lòng.
Đa số học sinh gặp stress, hơn 1/3 mắc trầm cảm
Khảo sát 204 học sinh (HS) từ 15-18 tuổi trong 3 trường THPT ở TP.HCM là Lương Thế Vinh (Q.1), Trần Phú (Q.Tân Phú), Gia Định (Q.Bình Thạnh), nhóm sinh viên Triệu Minh Tài, Hoàng Bá Linh và Hà Thùy Linh (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho thấy có đến 97,05% em bị stress nhẹ và ở mức trung bình là 2,95% HS. Trong đó, nguyên nhân gây stress đa số đến từ vấn đề học tập với tỷ lệ 61,9%, theo sau là dịch bệnh (14,7%).
“Bối cảnh nghiên cứu diễn ra ở giai đoạn giữa giãn cách và học trực tiếp nên đây là cơ sở dữ liệu để quan sát tác động của dịch Covid-19 vào những năm sau. Song song đó, chúng tôi cũng tìm hiểu ảnh hưởng của hình thức học tập với sự gắn kết trường học thì kết quả chỉ ra học trực tiếp là điều tuyệt vời giúp HS kết nối với các yếu tố trường học”, Tài khẳng định.
Ghi nhận trên 148 HS đến từ những trường THPT khác nhau tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, theo Nguyễn Thị Lan Vi (chuyên ngành Tâm lý lâm sàng, Trường ĐH Đông Á, Đà Nẵng), tỷ lệ mắc trầm cảm nhẹ là 51% và ở trầm cảm nặng, con số này lên đến 25%. Nữ sinh cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến trầm cảm phần lớn đến từ quá trình học tập (36,9%) và các mối quan hệ xã hội (31,5%).
|
Theo nhiều kết quả nghiên cứu, quá trình học tập là nguyên nhân chính dẫn đến stress và trầm cảm ở học sinh (ảnh minh họa)
|
“Các em gặp khó khăn rất lớn về vấn đề học tập, đặc biệt là trong kỳ thi thì áp lực nhân đôi kèm với nỗi sợ không thể đậu vào ngôi trường mong muốn, sợ rớt tốt nghiệp, càng đặc biệt hơn là sợ không đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của gia đình. Một số em gặp khó khăn và mất nhiều thời gian trong giao tiếp, tạo mối quan hệ... cho nên trong quá trình học tập và thi cử không thể trao đổi bài với bạn bè”, Vi cho hay.
Ở cấp học nhỏ hơn, Nguyễn Thị Thanh Tuyền (chuyên ngành Tâm lý học, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) chỉ ra 39,8% HS THCS có biểu hiện của trầm cảm, trong đó trầm cảm nhẹ chiếm tỷ lệ cao nhất (21,8%) và trầm cảm nặng là thấp nhất (4,4%). Đây là kết quả thống kê dựa trên 206 em thuộc 5 trường THCS ở TP.HCM. “Sau khi thực hiện nghiên cứu, tôi cảm nhận được rằng các em ở độ tuổi THCS vẫn chưa có đủ kiến thức cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề”, Tuyền nêu quan điểm.
Hiến kế giảm trầm cảm học đường
Để giảm thiểu mức độ stress, nhóm của Minh Tài đề xuất một số mô hình như “lớp học đảo ngược” yêu cầu HS tự học ở nhà qua video bài giảng, học trực tuyến, nghiên cứu bài học qua internet và khi đến lớp sẽ làm bài tập, trao đổi, chia sẻ các nội dung của bài học, giải quyết các vấn đề, tình huống do giáo viên đặt ra; hay “trường học hạnh phúc” cung cấp cho HS một môi trường học tập vui vẻ, tạo điều kiện để HS cảm thấy vui vẻ và hào hứng với việc đến trường, tiếp thu các kiến thức từ giáo viên.
Lan Vi thì kiến nghị HS cần lựa chọn phương pháp học tập khoa học như khái quát kiến thức trọng tâm, tóm tắt, vẽ sơ đồ tư duy; mở rộng lựa chọn nguyện vọng trước những kỳ thi; ngồi thiền. Đối với gia đình, cũng cần loại bỏ áp lực lên vai con cái và dành thời gian để lắng nghe, động viên con kịp thời trước những thời điểm bước ngoặt của cuộc đời. Điều này sẽ giúp HS cải thiện sức khoẻ tinh thần, giảm khả năng mắc trầm cảm.
|
Thanh Tuyền hy vọng mỗi trường học đều sẽ có phòng tham vấn tâm lý
|
Bên cạnh các đề nghị đối với học sinh, nhà trường và gia đình, Thanh Tuyền mong mỏi ngành giáo dục cần ban hành quy định về việc bắt buộc có phòng tham vấn tâm lý tại các trường; tổ chức tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết và xác định vấn đề cho giáo viên với mục đích có thể cố vấn học tập cho HS; tổ chức các khóa học về tâm lý lứa tuổi cho giáo viên, giúp giáo viên có khả năng đồng cảm và “làm bạn” với trẻ khi cần thiết.
Với đề tài nghiên cứu “Khảo sát chỉ số trầm cảm sau thi của học sinh THPT trên địa bàn thị xã Điện Bàn-tỉnh Quảng Nam bằng Reynolds Test”, Lan Vi đã đạt giải nhì cấp trường và được đề cử tham gia giải thưởng Euréka lần thứ 24 năm 2022.
Nghiên cứu “Mối liên hệ giữa kỹ năng giải quyết vấn đề với rối loạn trầm cảm của học sinh THCS tại TP.HCM” của Thanh Tuyền và “Mối liên hệ giữa sự gắn kết với trường học, stress và chiến lược ứng phó stress của học sinh THPT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” của Minh Tài, Bá Linh, Thùy Linh cũng được trường chọn thi giải thưởng Euréka.
|
Theo Thanh niên