Dân văn phòng và trẻ em là 2 đối tượng dễ bị thừa cân, béo phì nhất Ảnh minh họa: Internet
Dân văn phòng và trẻ em là 2 đối tượng dễ bị thừa cân, béo phì nhất - Ảnh minh họa: Internet

 

Điều trị béo phì hiệu quả bằng đa mô thức

Tại hội nghị, bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Trúc Lan Trinh - Phó trưởng khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định - đã cho thấy tổng quan về căn bệnh béo phì và các cách tiếp cận đa chuyên khoa để điều trị căn bệnh này.

Theo bác sĩ Lan Trinh, tỉ lệ người mắc bệnh béo phì đang gia tăng trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á; làm tăng gánh nặng về sức khỏe, kinh tế, chất lượng sống cho người dân. Hiện nay, trên thế giới, ước tính có 1,9 tỉ người đang mắc thừa cân béo phì, trong đó 1 tỉ người bị béo phì. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc béo phì dù chưa cao nhưng tốc độ thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh nhất Đông Nam Á.

Cụ thể, vào năm 1993, tỉ lệ béo phì tại nước ta là 2,3% nhưng tới năm 2015 đã là 15%. Đặc biệt, tình trạng béo phì ở trẻ em năm 2010 là 8,5% thì năm 2020 là 19%. Tỉ lệ trẻ em ở thành thị béo phì cao gấp đôi nông thôn.

Trên thực tế, vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng về bệnh béo phì. Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức ở một bộ phận hay toàn bộ cơ thể, là bệnh mạn tính mà nguyên nhân từ đa yếu tố (gen, chuyển hóa, môi trường, tâm lý, xã hội, thần kinh, thức ăn không lành mạnh, chế độ sinh hoạt…). Điều này cho thấy quan niệm cho rằng béo phì do lối sống sai lầm, lười biếng, thiếu ý chí là chưa chính xác. 

Người thường xuyên sử dụng thức ăn giàu năng lượng sẽ dẫn tới béo phì. Nếu lười vận động, các a xít tự do sẽ tích lũy trong mô mỡ, từ đó tiết ra các chất làm giảm chức năng tế bào tuyến tụy, gây ra các bệnh lý tim mạch, ung thư, đái tháo đường, gan…

Khi tế bào mỡ bao quanh mạch máu và cơ tim sẽ xuất hiện tình trạng thiếu ô xy cục bộ, làm giảm sự co bóp và hoại tử mô tim. Sự tái cấu trúc thất trái của bệnh nhân béo phì cũng góp phần vào vấn đề suy tim. Ước tính có 13 loại ung thư liên quan tới béo phì như vú, tử cung, buồng trứng, gan, mật, tụy, tuyến giáp, đa u tủy… Để sàng lọc và xác định tình trạng thừa cân béo phì, chúng ta sẽ dựa trên chỉ số BMI.

Một ca béo phì ấn tượng đã được Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị thành công là nam bệnh nhân nặng 140kg. Anh này bị mắc COVID-19, được tiếp nhận tại bệnh viện dã chiến do Bệnh viện Nhân dân Gia Định chịu trách nhiệm trong mùa dịch. Bệnh nhân này đã được điều trị đa mô thức (chạy Ecmo, hồi sức cấp cứu, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý).

Khi bệnh nhân hồi phục vẫn tiếp tục được chuyên gia vật lý trị liệu hỗ trợ để duy trì mức cân nặng hợp lý, tránh tái tăng cân. Ngoài ra, nam bệnh nhân trên còn được phối hợp liệu pháp tâm lý, hướng dẫn xây dựng lối sống lành mạnh. Có thể nói, cách thức điều trị béo phì đã được Bệnh viện Nhân dân Gia Định cá thể hóa với từng người bệnh để có sự can thiệp phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.

Vấn đề tâm lý trị liệu đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị béo phì. Các bác sĩ và người xung quanh cần có thái độ cởi mở, tránh ngôn ngữ đổ lỗi, dùng từ mang tính kỳ thị khiến bệnh nhân mặc cảm. Không phải ai béo phì cũng do thiếu kiểm soát chế độ ăn uống và có lối sống lười biếng, không lành mạnh.

Người béo phì cần tập luyện thể lực thế nào?

Cũng trong buổi hội nghị này, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quang Khải - Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhân dân Gia Định - đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tập luyện đối với người thừa cân, béo phì. Theo bác sĩ Quang Khải, dù chế độ dinh dưỡng giúp giảm cân tốt nhưng luyện tập thể lực lại là con đường duy nhất để giữ và tăng mô cơ. Khi đó, ta giảm cân nhưng cơ không mất đi mà vẫn săn chắc.

Duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, thói quen lành mạnh sẽ góp phần dự phòng thừa cân, béo phì - Ảnh minh họa: Internet
Duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, thói quen lành mạnh sẽ góp phần dự phòng thừa cân, béo phì - Ảnh minh họa: Internet

 

“Người béo phì vận động bao nhiêu là đủ?” là thắc mắc chung của nhiều người. Người bình thường cần vận động ở cường độ trung bình 150 phút/tuần. Tuy nhiên, người béo phì cần vận động ở cường độ trung bình 60-90 phút/ngày. 

Đối với người béo phì, phải có sự chuẩn bị trước khi tập luyện. Bác sĩ phải biết người đó mỗi ngày tiêu hao bao nhiêu calo rồi mới bù cho đủ. Ngoài ra, cần xem xét nền tảng của bệnh nhân khi đưa ra kế hoạch luyện tập (người béo phì tuổi thiếu niên khác người béo phì tuổi trung niên mắc thoái hóa khớp gối). Bên cạnh đó, chiến lược bổ sung nước trước, trong và sau quá trình tập luyện cho bệnh nhân cũng vô cùng cần thiết.

Bài tập cho người béo phì được xác lập dựa vào 1 trong 2 mục tiêu cụ thể. Nếu mục tiêu của họ là giữ mô cơ thì bài tập sẽ khác. Nếu họ chỉ cần đốt cháy năng lượng thì sẽ có bài tập sử dụng nhóm cơ lớn, bảo vệ chấn thương khớp (thay vì đi lên xuống cầu thang thì đạp xe, thay thế chạy bộ bằng đi bộ nhanh). Y văn chỉ ra rằng tập luyện liên tục trong 30 phút hiệu quả bằng 3 lần tập 10 phút. Người béo phì nhanh mệt nên cần nghỉ một lúc sau khi tập một thời gian ngắn. Lúc tập cũng cần theo dõi nhịp tim để biết bệnh nhân có chịu được cường độ này hay không. Việc theo dõi nhịp tim có công thức riêng tùy độ tuổi, dân số (thể trạng người châu Âu hay châu Á…). 

Sau khi liệt kê đầy đủ số liệu, bác sĩ sẽ cá nhân hóa bài tập, đưa ra con số cụ thể để biết bệnh nhân nên vận động bao nhiêu thời gian mỗi ngày. Trước khi luyện tập, họ cần đi khám để được tư vấn về dinh dưỡng và điều trị bệnh lý nền liên quan. Sau đó, các bác sĩ sẽ tính chỉ số chuyển hóa cơ bản dựa trên chiều cao và cân nặng, hiệu chỉnh thêm thói quen hoạt động của người bệnh để đưa ra lượng calo cơ bản nhất người đó cần mỗi ngày.

Nếu tham chiếu qua chế độ dinh dưỡng của họ mà tạo được giá trị - 500 calo mỗi ngày thì quá tốt. Lúc này, bệnh nhân chỉ cần vận động 150 phút mỗi tuần. Ngoài ra, các bài tập tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng đa dạng hóa, linh hoạt. Chẳng hạn bệnh nhân định đi bộ mà trời mưa, không thể đi thì có thể làm việc nhà như hút bụi, lau nhà… để thay thế. 

Ở Mỹ, chỉ 20% người giảm cân thành công duy trì được cân nặng đó trong năm tiếp theo. Sau khi giảm cân, bệnh nhân có tâm lý ăn ngon miệng hơn, tận hưởng hơn. Việc tăng cân trở lại khiến bệnh nhân tuyệt vọng. Vì thế, người tăng cân thành công nên tiếp tục duy trì các bài tập thể lực trước đó (dù chỉ bằng 20% trước kia). Đây là cách hữu ích giúp hạn chế tình trạng tăng cân trở lại.

Ngày nay, trong chế độ ăn uống, người Việt Nam dùng quá nhiều thức ăn nhanh do không có thời gian chế biến. Chúng ta chiên xào nhiều thay vì luộc và hấp thức ăn. Bên cạnh đó, thói quen uống nhiều nước ngọt, rượu bia có gas ngày càng phổ biến. 70% người Việt Nam không đạt khuyến cáo đi 7.000 bước/ngày mà chỉ đi được hơn 3.000 bước. Đặc biệt, nhóm người làm việc văn phòng chỉ di chuyển khoảng 600 bước/ngày. Duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, thói quen lành mạnh sẽ góp phần dự phòng thừa cân, béo phì. 

Theo phụ nữ TPHCM