leftcenterrightdel
 Những người trì hoãn thường có vấn đề về sức khỏe. Ảnh: Unsplash.

Theo The Conversation, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ít nhất một nửa số sinh viên đại học trì hoãn đến mức gây ảnh hưởng xấu đến việc học của họ. Nhưng đấy có thể không phải là kết quả tiêu cực nhất của việc trì hoãn mọi thứ. Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa sự trì hoãn và sức khỏe kém.

Tuy nhiên, những nghiên cứu này - theo bản thiết kế của chúng - không thể cho chúng ta biết chiều hướng của mối quan hệ. Có phải sự trì hoãn gây ra sức khỏe và tinh thần kém bởi vì mọi người, chẳng hạn, trì hoãn việc bắt đầu một chế độ tập thể dục mới hoặc gặp bác sĩ về một vấn đề sức khỏe?

Liệu có giả thuyết nào khác không? Chẳng hạn, sức khỏe thể chất kém có thể khiến mọi người trì hoãn vì họ không có năng lượng để thực hiện nhiệm vụ ngay lập tức.

leftcenterrightdel
 Những người trì hoãn thường có vấn đề về sức khỏe. Ảnh: Alamy Stock Photo.
Những nghiên cứu về bệnh trì hoãn

Để giải đáp vấn đề này, nhóm chuyên gia từ Viện Karolinska và Đại học Sophiahemmet đã tiến hành nghiên cứu theo chiều dọc - nghĩa là nghiên cứu theo dõi mọi người trong một khoảng thời gian - thực hiện các phép đo tại các điểm khác nhau trong nghiên cứu. Nhóm chuyên gia đã tuyển chọn 3.525 sinh viên từ 8 trường đại học trong và xung quanh Stockholm và yêu cầu họ hoàn thành bảng câu hỏi 3 tháng một lần trong năm.

Nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open, nhằm mục đích điều tra xem liệu những sinh viên trì hoãn có nguy cơ cao hơn về sức khỏe thể chất và tinh thần kém hay không. Trong số 3.525 sinh viên trong cuộc khảo sát, 2.587 người đã trả lời câu hỏi tiếp theo 9 tháng sau đó.

Để hiểu sự trì hoãn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe sau này, nghiên cứu đã so sánh những sinh viên có xu hướng trì hoãn cao hơn (được chấm trên thang đo sự trì hoãn) với những sinh viên có xu hướng trì hoãn thấp hơn.

Kết quả cho thấy mức độ trì hoãn cao hơn có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và căng thẳng cao hơn 9 tháng sau đó. Những sinh viên có mức độ trì hoãn cao hơn có nhiều khả năng bị đau vai hoặc cánh tay (hoặc cả hai), chất lượng giấc ngủ kém hơn, cô đơn hơn và gặp nhiều khó khăn về tài chính hơn. Những biểu hiện này vẫn tồn tại ngay cả khi các yếu tố khác chẳng hạn tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn của cha mẹ và các chẩn đoán về tâm thần trước đó được xem xét.

Kết quả cho thấy sự trì hoãn có thể có tầm quan trọng đối với một loạt kết quả về sức khỏe, bao gồm các vấn đề về sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất và lối sống không lành mạnh.

Như đã đề cập ở trên, trong các nghiên cứu trước đây, những người tham gia chỉ được đánh giá tại một thời điểm nên khó biết được tình trạng nào xảy ra trước: Tính trì hoãn hoặc sức khỏe kém. Bằng cách yêu cầu sinh viên trả lời các câu hỏi tại một số thời điểm, nhóm nghiên cứu có thể chắc chắn rằng mức độ trì hoãn cao đã xuất hiện trước khi họ đo lường sức khỏe của những người tham gia khảo sát.

Nhưng các yếu tố khác không được tính đến trong phân tích của nhóm chuyên gia có thể giải thích mối liên hệ giữa sự trì hoãn và kết quả sức khỏe kém sau đó. Kết quả của nhóm không phải là bằng chứng về nguyên nhân và kết quả, nhưng chúng cho thấy điều đó rõ ràng hơn so với các nghiên cứu “chen ngang” trước đó.

Bệnh trì hoãn có thể điều trị

Các thử nghiệm lâm sàng (tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu y học) đã chỉ ra rằng liệu pháp hành vi nhận thức có hiệu quả trong việc giảm sự trì hoãn.

Phương pháp điều trị giúp người bệnh vượt qua sự trì hoãn bằng cách chia các mục tiêu dài hạn ra thành các mục tiêu ngắn hạn, quản lý những thứ gây xao nhãng (chẳng hạn tắt điện thoại di động) và tập trung vào một nhiệm vụ mặc dù đang trải qua những cảm xúc tiêu cực.

Điều này đòi hỏi một số nỗ lực, vì vậy nó không phải điều mà một người có thể làm trong khi cố gắng đáp ứng một thời gian cụ thể. Nhưng ngay cả những thay đổi nhỏ cũng mang lại những tác động lớn. Bạn có thể thử phương pháp này.

Tại sao từ hôm nay bạn không để điện thoại cách xa khi bạn cần tập trung thực hiện một nhiệm vụ?

Theo  zingnews