Trì hoãn dự định có con có thể làm giảm cơ hội mang thai - Ảnh 1.

Thụ tinh trong ống nghiệm - Nguồn: penzit.com

Thụ tinh trong ống nghiệm tạo cơ hội mang thai cho những trường hợp hiếm muộn. Quy trình bao gồm việc bơm trực tiếp tinh trùng (lấy cùng đợt điều trị hoặc đông lạnh từ trước) vào noãn và nuôi cấy tại phòng thí nghiệm.

Sau vài ngày, phôi được hình thành sẽ được chuyển vào cơ thể của người nữ. Thành công là khi phôi làm tổ được tại buồng tử cung, phát triển thành thai nhi và em bé ra đời sau 9 tháng 10 ngày.

Việc thụ tinh nhân tạo vốn đã kèm nhiều rủi ro, bất kể yếu tố nguy cơ sẵn có của thai phụ. Một nghiên cứu của tạp chí Hội Liên Hiệp Tim Mạch tại Mỹ cho thấy mối tương quan giữa thụ tinh nhân tạo và nguy cơ cao xảy ra các biến chứng mạch vành, so với thai kỳ bình thường.

Bên cạnh đó là biến chứng suy thận cấp, loạn nhịp tim ở thai phụ và sinh non, bong nhau thai sớm.

Dữ liệu của Hội IVF Đức được đúc kết thành một cuốn cẩm nang, với mục tiêu được nhấn mạnh trong những trang đầu: sinh một con một ca với “mẹ tròn con vuông”.

Báo cáo trong năm 2021 gồm phân tích từ 125.542 ca ở 140 trung tâm thành viên. Trong đó, phụ nữ từ 32 tuổi trở xuống có tỉ lệ thành công hơn 40% ở mỗi lần chuyển phôi.

Tuy nhiên, khả năng phôi thai làm tổ sẽ giảm liên tục từ độ tuổi 33. Từ 40 tuổi, tỉ lệ thành công chỉ còn dưới 20%.

Đức ghi nhận chỉ hai ca thành công ở độ tuổi trên 45. Trong khi đó, số lượng phụ nữ tuổi trên 40 mong mỏi có con lại càng gia tăng: khoảng 8.000 người vào năm 2011 và 12.600 người vào năm 2021.

Trưởng một trung tâm hiếm muộn tại Berlin - bác sĩ Andreas Tandler-Schneider cho biết, nguyên nhân của việc vô sinh không chỉ nằm ở người nữ giới. “Đa phần còn do chất lượng không đạt chuẩn của tinh trùng”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, dữ liệu vào năm 2020 của hội cho thấy 16,6% trường hợp sinh nhiều con điều trị với phôi tươi và 11% với phôi đông lạnh. Trong đó, hơn 80% là sinh non.

Từ 1997 - 2020, Hội IVF tại Cộng hòa Liên bang Đức ghi nhận 363.940 trẻ được sinh thụ tinh trong ống nghiệm. Cho tới nay, hơn 5 triệu trẻ em đã chào đời với phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Theo tuoitre