1.Ốm nghén là gì?

Phụ nữ mang thai giai đoạn đầu thai kỳ thường gặp các triệu chứng buồn nôn, ốm nghén. Triệu chứng này thường kéo dài 3 tháng nhưng một số trường hợp có thể lâu hơn.

Ốm nghén khiến mẹ bầu luôn cảm thấy buồn nôn, nôn. Các triệu chứng này thường xảy ra vào buổi sáng sớm. Nhưng trong một số trường hợp nôn và buồn nôn còn xuất hiện ở nhiều khung thời gian khác nhau và thậm chí còn kéo dài cả ngày.

photo-1662303046625

Buồn nôn, ốm nghén là những triệu chứng thường gặp ở thai phụ trong giai đoạn đầu thai kỳ.

2. Nguyên nhân của buồn nôn, ốm nghén

Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ốm nghén khi mang thai vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Một số quan điểm cho rằng, thai phụ bị nghén do sự thay đổi nội tiết tố (hormone) ở tuyến sinh dục khi mang thai, cụ thể là progesteron và HCG.

Cơ thể thai phụ sẽ sản sinh ra một lượng lớn hormone progesterone gây giãn các cân cơ ở hệ tiêu hóa, khiến lượng thức ăn bên trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, gây cảm giác buồn nôn. Các hormone tuyến sinh dục này được sản xuất với số lượng lớn gấp đôi trong vòng 48-72 giờ. Đặc biệt, dấu hiệu gia tăng sẽ diễn ra nhanh chóng trong suốt thai kỳ. Thêm vào đó, hormone này còn làm chậm khả năng tiêu hóa dẫn đến chứng khó tiêu.

Một vài nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng nghén khi mang thai gồm:

  • Thói quen ăn uống thất thường.
  • Hệ thần kinh của thai phụ nhạy cảm với các loại thực phẩm có mùi vị.
  • Di truyền: Thường gặp ở những thai phụ có mẹ bị ốm nghén khi mang thai.

3.Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Nếu sản phụ chỉ buồn nôn và nôn ở mức độ nhẹ thì sẽ không gây quá nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe của bản thân và thai nhi. Tuy nhiên tình trạng này sẽ khiến cơ thể bị mất nước và có thể khó tăng cân khiến cân nặng của thai nhi sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí mất quá nhiều nước sẽ dẫn đến những nguy cơ rối loạn tuyến giáp, gan hay nước ối.

Nếu ốm nghén nặng kéo dài, người mẹ không thể ăn uống được gì sẽ làm cho cơ thể không được bổ sung dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể. Nguy hiểm hơn, mẹ bầu có thể phải nhập viện điều trị. Khi đó, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của sản phụ dễ đưa đến trầm cảm thai kỳ, sức khỏe thai nhi bị đe dọa nghiêm trọng.

4.Điều trị thế nào?

4.1.Điều trị không dùng thuốc

Gừng: Gừng có tác dụng làm giảm co thắt dạ dày và gia tăng nhu động ruột giúp làm giảm các triệu chứng nôn, buồn nôn, ốm nghén. Ngoài ra, gừng không gây ra bất kỳ tác dụng phụ hay ảnh hưởng gì đối với sức khỏe của mẹ vả bé.

Súc miệng thường xuyên nếu nước bọt tiết quá nhiềuKhông nên nuốt quá nhiều nước bọt, vì điều này có thể làm tăng các triệu chứng của ốm nghén khi mang thai. Nhổ nước bọt và súc miệng thường xuyên có thể hữu ích trong việc giảm nghén khi mang thai. Có thể pha nước cùng với 1 thìa cà phê soda vừa chống buồn nôn vừa giúp bảo vệ răng không bị bào mòn bởi acid dạ dày.

Bổ sung vitamin đầy đủ trước sinh: Có thể sử dụng các loại thuốc bổ vitamin tổng hợp có chứa vitamin B hay axit folic để giúp giảm triệu chứng ốm nghén khi mang thai.

Thay đổi chế độ ăn uống: Cần chia nhỏ bữa ăn hằng ngày khoảng 5-6 bữa ăn/ngày và không nên ăn quá no nhưng cũng không nên để bụng đói; sau các bữa ăn, có thể ngậm ít kẹo gừng, vị gừng sẽ dễ chịu hơn; hạn chế thức ăn có mùi; nên ăn thức ăn đặc hoặc khô, sau đó khoảng 30 – 60 phút hãy dùng thức ăn lỏng hoặc uống nước; nên dùng thức ăn, thức uống hơi nóng, ấm vì thức ăn nguội dễ gây buồn nôn; không nằm ngay sau khi ăn.; uống đủ nước (2-3 lít/ngày) như nước chanh, nước hoa quả sẽ làm bà bầu dễ chịu hơn.

photo-1662303051939

Phụ nữ mang thai cần nghỉ ngơi hợp lý.

Sử dụng thực phẩm giàu protein và tránh thức ăn cay nóngNhững thức ăn có chứa nhiều protein cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc làm giảm triệu chứng ốm nghén ở các bà bầu. Bên cạnh đó, cần tránh ăn các thức ăn cay nóng hay nhiều dầu mỡ vì có thể làm kích thích niêm mạc dạ dày, càng làm tăng tình trạng nôn nghén.

Nghỉ ngơi hợp lý: Cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, làm những việc mình thích, tránh căng thẳng, lo lắng. Hãy giữ phòng thông thoáng và dành thời gian ra ngoài để có được không khí trong lành.

Vận động nhẹ nhàng, vừa sức trong thai kỳMẹ bầu nên tạo thói quen đi bộ 30 phút mỗi ngày. Điều này vừa giúp mẹ bầu linh hoạt, khỏe mạnh, vừa hỗ trợ giảm buồn nôn, ốm nghén trong thai kỳ.

4.2.Điều trị bằng thuốc

Sau khi đã điều chỉnh chế độ sinh hoạt kết hợp ăn uống và nghỉ ngơi mà vẫn không thấy có hiệu quả thì lúc này sản phụ sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc.

Vitamin B6

Đây là loại thuốc thường được chỉ định dành cho những phụ nữ có thai bị buồn nôn và nôn, vì không ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Pyridoxine (vitamin B6) là thuốc điều trị đầu tay, có thể kết hợp với thành phần khác như doxylamine.

Cơ chế vitamin B6 chống nôn và buồn nôn cho thai phụ vẫn chưa được hiểu rõ. Các chuyên gia đề xuất rằng, vitamin B6 giúp cơ thể chuyển hóa một số axit amin và từ đó có thể làm giảm cảm giác buồn nôn. Bên cạnh đó, một phần vai trò của vitamin B6 trong cơ thể là sản xuất norepinephrine và serotonin. Đây là 2 chất dẫn truyền thần kinh thiết yếu, hỗ trợ toàn bộ các chức năng trao đổi chất cho cơ thể. Từ đó giúp não bộ tập trung tốt hơn, hỗ trợ tâm trạng thai phụ vui vẻ, chống stress trong thai kỳ.

photo-1662303054601

Vitamin B6 được dùng để trị nôn, nghén ở phụ nữ mang thai.

Thuốc chống nôn domperidone

Tác dụng chính của thuốc chống nôn domperidone là giúp kích thích nhu động ruột của ống tiêu hóa làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị, tăng độ giãn của cơ thắt môn vị sau bữa ăn do đó chống được nôn, buồn nôn (do tính kháng dopamin của thuốc). Thuốc không gây ra dị tật thai nhi nhưng chưa có đủ bằng chứng chắc chắn nên các bác sĩ sẽ hạn chế kê đơn thuốc này cho phụ nữ có thai.

Thuốc chống nôn metoclopramide

Làm tăng nhu động của hang vị, tá tràng, hỗng tràng, giãn phần trên dạ dày, làm cho dạ dày rỗng nhanh nên giảm được sự trào ngược từ dạ dày, tá tràng lên thực quản, nhờ thế mà chống được nôn (do tính kháng dopamin của thuốc). Thuốc có thể truyền qua nhau thai khi thai đủ tháng và dù chưa có bằng chứng về tính an toàn cho thai nhi, vì thế loại thuốc này cũng hạn chế được kê cho phụ nữ có thai.

Nhóm thuốc kháng histamin

Không nên dùng diphenylhydramin cho mẹ bầu vào giai đoạn cuối của thai kỳ, cụ thể ở 3 tháng trước khi sinh. Bên cạnh đó, sản phụ có thể dùng kháng histamin khác như meclizin. Đây là thuốc kháng histamine thế hệ đầu tiên.

Cơ chế chính xác của meclizine vẫn chưa được biết đến nhưng được cho là có liên quan đến sự đối kháng thụ thể histamine H1, tác động làm giảm kích thích từ hệ thống tiền đình ốc tai đến trung tâm gây nôn ở hành não, ức chế cảm giác buồn nôn và nôn. Tác dụng phụ của meclizine thường gặp là buồn ngủ, mệt mỏi, khô miệng. Phân loại mức độ an toàn của meclizine cho phụ nữ có thai là loại B. Cần sử dụng thận trọng thuốc này cho phụ nữ có thai.

Prochlorperazine

Việc sử dụng thuốc prochlorperazine cho phụ nữ mang thai không có đầy đủ bằng chứng về sự an toàn. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc này trong 3 tháng cuối của thai kỳ có nguy cơ trẻ sinh ra gặp các phản ứng có hại như phản ứng ngoại tháp và/hoặc hội chứng cai thuốc với triệu chứng như kích động, tăng/giảm trương lực cơ, run, buồn ngủ, suy hô hấp hoặc rối loạn tiêu hóa... Do đó, chỉ sử dụng thuốc này khi thật cần thiết.

Thuốc có thể gây tác dụng phụ: Phản ứng quá mẫn như phát ban và phù mạch, mất ngủ, kích động, chóng mặt, buồn ngủ.

5.Lưu ý khi dùng thuốc

- Luôn tham vấn ý kiến của các bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

- Không tự ý mua thuốc để trị nôn khi mang thai.

- Không dùng đơn thuốc của người khác.

- Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc.

- Khi dùng thuốc trị nôn, nghén nếu có các triệu chứng bất thường cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử trí kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn