Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Radiology, nhóm tác giả đã xem xét tác động của phần mềm AI đối với việc xét nghiệm lâm sàng ung thư trong thời gian thực, trên đối tượng thực. Kết quả cho thấy, AI đã cải thiện đáng kể khả năng phát hiện các dấu vết ở phổi trên phim X-quang vùng ngực.
Cụ thể, các dấu vết nói trên là sự phát triển bất thường hình thành trên phổi, chúng thực ra tương đối phổ biến và thường xuất hiện do nhiễm trùng từ trước. Nhưng trong một số ít trường hợp, chúng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi.
Bác sĩ Goo cho biết: “Việc phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa quan trọng. Vì nhiều khối u rắn có thể được xác định trong các nghiên cứu hình ảnh, nên việc phát hiện các bệnh ung thư sớm từ giai đoạn tiềm ẩn như dấu vết của bệnh ung thư phổi còn hiệu quả hơn cả việc chữa trị”.
Trong nghiên cứu nói trên, các nhà nghiên cứu đã tập hợp dữ liệu từ 10.476 người, có độ tuổi trung bình là 59 và đã chụp X-quang ngực, từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2021.
Những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi sức khỏe để cung cấp thông tin về tuổi tác, giới tính, tình trạng hút thuốc và tiền sử ung thư phổi. Khoảng 11% số người tham gia đã hoặc đang hút thuốc.
Những người tham gia nghiên cứu đều được chụp X-quang tầm soát ung thư và được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm. Kết quả của nhóm đầu tiên được phân tích bởi các bác sĩ phụ trách phim X-quang với sự hỗ trợ của AI, còn kết quả của nhóm thứ hai được diễn giải mà không có sự tham gia của AI.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ phát hiện các nốt phổi có thể điều trị được trên phim chụp X-quang vùng ngực khi được AI hỗ trợ lên tới 0,59%, cao hơn đáng kể so với số liệu của nhóm không có sự hỗ trợ của AI, là 0,25%.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, yếu tố tuổi tác và tiền sử bệnh đường hô hấp cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả của hệ thống AI. Nghĩa là, AI có thể hoạt động nhất quán trên các cộng đồng khác nhau.
Bác sĩ Goo cho biết, nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng AI có thể giúp con người tầm soát ung thư phổi, nhất là với công việc sàng lọc ung thư dựa trên hình ảnh, vốn tẻ nhạt vì tỷ lệ mắc bệnh thấp.
Bác sĩ Goo nói thêm: “Giá trị của việc phát hiện và chẩn đoán có sự hỗ trợ của máy tính đã được nghiên cứu để giảm các ca ung thư bị bỏ sót trong nhiều thập kỷ. Việc giới thiệu công nghệ học sâu gần đây đã nâng cao hiệu suất của các kỹ thuật truyền thống không chỉ trong việc xác định mà cả đo lường và mô tả các tổn thương”.
Ông Thomas Swalla, CEO và Chủ tịch hội đồng quản trị của Dotmatics - công ty toàn cầu tập hợp các chuyên viên về lĩnh vực triển khai AI trên nhiều nền tảng, nhận định rằng phát hiện này chỉ là một trong nhiều ví dụ về những gì AI có thể làm trong lĩnh vực phát hiện và điều trị ung thư.
Ông Swalla cho biết: “Tác động của AI đối với việc chữa bệnh ung thư phải gấp đôi như thế. Bằng cách sử dụng AI, chúng ta sẽ tiết kiệm tiền hơn để tìm ra các liệu pháp mới và cho phép tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ chăm sóc”. Theo ông Swalla, tác động của AI đến việc giảm chi phí chăm sóc cho người bệnh là vô song.
Tiến sĩ Steven Quay - người sáng lập Công ty dược Atossa Therapeutics chuyên phát triển các phương pháp điều trị và loại thuốc mới cho bệnh ung thư vú và các bệnh về vú khác - cho biết, một kỷ nguyên mới của AI trong điều trị ung thư chỉ mới bắt đầu.
Ông Quay chia sẻ về cách thức AI tham gia vào lĩnh vực y tế: “Bạn cung cấp tập dữ liệu và để nó học hỏi từ đó. Những gì được tạo ra sau đó vượt ra ngoài kiến thức của con người. Nó hoạt động theo cách con người không dự đoán được và đó là sự sáng tạo. AI hiện cũng có vai trò chính trong nghiên cứu ung thư ở cấp độ cơ bản.”
Theo phụ nữ TPHCM