Họng là ngã tư giữa đường ăn và đường thở, là cửa ngõ của không khí, thức ăn và nước uống. Vì vậy họng là nơi rất thuận lợi cho các yếu tố ngoại lai, virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Mùa hè thời tiết nóng ẩm kèm theo các thói quen sinh hoạt, ăn uống... dễ làm tổn thương tới niêm mạc họng như tắm lạnh nhiều lần trong ngày, ăn kem, uống nước đá, ăn đồ lạnh, sử dụng điều hòa không đúng cách, chênh lệch nhiệt độ phòng điều hòa quá lớn so với môi trường bên ngoài, để quạt xối thẳng vào họng, mồ hôi ra ngấm vào người gây cảm lạnh, đi bơi nhiễm hóa chất từ nước hồ bơi gây viêm họng, đặc biệt là ngủ điều hòa để lạnh sâu và gây viêm khô hầu họng… tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm họng.
1. Các dạng viêm họng thường gặp
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương - Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, viêm họng có nhiều thể bệnh, bao gồm:
- Viêm họng cấp: Bệnh có thể gặp cả ở người lớn và trẻ em, thường khởi phát đột ngột gây viêm cấp tính toàn bộ niêm mạc vùng họng. Người bệnh thường ho, nuốt đau vướng, có thể sốt cao tới 39-40 độ C, đặc biệt là trẻ em.
- Viêm họng mạn gồm:
+ Viêm họng mạn tính xung huyết đơn thuần: Khám họng thấy niêm mạc đỏ, nhiều tia mao mạch máu nổi lên.
+ Viêm họng mạn tính xuất tiết: Niêm mạc họng cũng đỏ xung huyết nhưng có tăng xuất tiết, hơi dính vào niêm mạc.
+ Viêm họng mạn quá phát: Niêm mạc họng đỏ và dày. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng phát triển mạnh, quá phát thành từng đám to nhỏ không đều, màu hồng hoặc đỏ. Có khi tập trung thành một dải gồ lên ở phía sau và dọc theo trụ sau của amidan trông như một trụ sau thứ hai gọi là "trụ giả", còn gọi là viêm họng hạt.
+ Viêm họng teo: Niêm mạc họng teo dần, làm cho niêm mạc họng trở nên nhợt nhạt, khô và hình thành những vảy mỏng, vàng, khô bám từng cụm. Các trụ sau cũng teo biến đi làm cho họng trở nên rộng hơn. Viêm họng teo thường là viêm họng do nghề nghiệp hoặc ở người cao tuổi.
Tình trạng viêm họng có đặc trưng yết hầu sưng đau, người bệnh luôn có cảm giác ngứa ngáy ở họng, thích khạc nhổ. Sau đó nếu tà khí xâm nhập vào khí huyết, sẽ gây sốt hoặc tiết nhiều đờm dãi. Nặng hơn là tình trạng yết hầu nghẹn đau, khó ăn khó nuốt, họng viêm sưng đỏ, lưỡi gà đỏ, nhiệt tụ nên lưỡi đỏ hoặc hồng nhợt.
Yết hầu là cửa ngõ của phế, là nơi có nhiều đường kinh mạch đi qua giữ nhiệm vụ bảo vệ phế trước các dị nguyên xâm nhập. Khi yết hầu bị xâm nhập bởi ngoại tà sẽ có sự giao tranh giữa chính khí và tà khí gây ra sốt, cổ họng đau và sưng…
Theo y học cổ truyền, bệnh viêm họng do cảm phải phong tà bên ngoài kết hợp với đàm nhiệt bên trong cơ thể mà gây ra bệnh. Viêm họng mạn tính do đàm nhiệt lâu ngày làm tổn thương phế khí mà gây ra bệnh…
2. Các phương pháp Đông y điều trị viêm họng
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương, để điều trị viêm họng Y học cổ truyền sử dụng các phép trị sơ phong, thanh nhiệt, hóa đàm, dưỡng âm sinh tân.
Biện pháp dùng thuốc:
- Đối với viêm họng cấp tính, với biểu hiện họng đỏ, khô rát, niêm mạc họng hơi phù nề kèm thêm sốt, nhức đầu: Phương pháp điều trị là sơ phong, thanh nhiệt, hóa đàm.
- Đối với viêm họng mạn tính với các biểu hiện họng khô, cảm thấy khó chịu, niêm mạc họng có những điểm sung huyết màu đỏ nhạt có những hạt lympho rải rác (viêm họng hạt): Phương pháp điều trị là dưỡng phế âm, hóa đàm. Có thể dùng bài "Nhị trần thang" để điều trị viêm họng mạn nhiều đờm …
Hoặc có thể chia các thể viêm họng theo nguyên nhân gây bệnh như viêm họng do nguyên khí hư nhược dùng bài "Bổ trung ích khí thang gia giảm" hoặc viêm họng do tỳ hư can uất dùng kết hợp bài "Quy tỳ thang" với "Tiêu dao tán" để điều trị...
Một số vị thuốc có tác dụng cải thiện tình trạng viêm họng như xạ can, kha tử, dâu tằm, bạc hà, cát cánh, quất hồng bì, húng chanh…
Một số món ăn bài thuốc tốt cho người viêm họng như ngưu bàng tử tán, nước ép dưa hấu, tây qua bì thang, lê hấp tẩm mật ong, chuối xanh muối tiêu…
Biện pháp không dùng thuốc:
Bên cạnh các biện pháp dùng thuốc, các biện pháp không dùng thuốc như xoa bóp bấm huyệt, sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng tốt trong trường hợp viêm họng... có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm họng khá hiệu quả.
Có thể kích thích vào một số huyệt vị có tác động tới họng giúp làm giảm tình trạng viêm sưng tại niêm mạc họng như huyệt liệt khuyết, đại lăng, huyệt đản trung, thái uyên, xích trạch, phong trì, đại chùy, phong long, côn lôn… Dùng ngón tay day ấn huyệt trong 2 phút sao cho cảm thấy căng tức là được.
Các thực phẩm cũng có thể làm cho tình trạng viêm họng nhẹ đi và ngược lại. Nói chung, thức ăn mềm và nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho bệnh viêm họng. Người bệnh nên ăn các món cháo, súp như: Cháo thịt lợn, cháo thịt bò, súp gà, canh gà hầm, nước hầm củ quả…
Các loại sinh tố rau, trái cây rất giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân đang bị mệt mỏi do ốm, sốt. Sinh tố cũng là loại thức uống lỏng dễ nuốt, dùng rất thích hợp khi bị đau họng.
Trái lại, người bệnh viêm họng cần tránh ăn các thực phẩm khô cứng, thực phẩm đặc, cay nóng, tránh ăn đồ lạnh, đá, tránh uống rượu, bia, hút thuốc lá, thuốc lào…
3. Phòng bệnh viêm họng mùa hè
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương lưu ý phòng bệnh viêm họng mùa hè như sau:
- Khí hậu nắng nóng thường gây ra hiện tượng khát nên phải uống nhiều nước. Tuy nhiên, nếu nước có nhiệt độ thấp, sự chênh lệch nhiệt độ khi uống dẫn đến hiện tượng kích thích niêm mạc họng, thanh quản gây viêm. Do đó, khi sử dụng thực phẩm, nên chú ý đừng để quá lạnh, nhất là những người có cơ địa dị ứng.
- Mùa hè, cần giữ ấm vùng cổ khi sử dụng điều hòa nhiệt độ dưới 26 độ C. Nếu điều hòa không được vệ sinh thường xuyên sẽ là yếu tố thuận lợi làm cho nấm phát triển và phát tán vào không khí trong nhà, khi niêm mạc họng suy yếu nấm sẽ gây viêm họng.
- Mùa hè lại là mùa khô, nóng nên dễ phát tán bụi bẩn ra không khí ở khu vực rộng, do vậy nên dùng bảo hộ lao động đúng quy định khi làm việc trong môi trường ô nhiễm bụi bẩn hoặc hóa chất.
- Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như không thức khuya, có chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ, hợp lý, vận động thể chất phù hợp…
Theo suckhoedoisong.vn