1. Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản 

-Viêm phế quản cấp thường do virrus gây ra. Bệnh bắt đầu với các dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên với triệu chứng sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi hoặc viêm mũi họng.

Tổn thương viêm lan xuống đường hô hấp dưới với triệu chứng ho khan, ho từng cơn, đau tức ngực, thở khò khè... Ở những giai đoạn sau của bệnh, nhiều trường hợp có bội nhiễm thêm vi khuẩn.

- Viêm phế quản cấp do vi khuẩn có biểu hiện ho có đờm, đờm đục như mủ. Một số ít trường hợp có thể có ho khạc đờm lẫn máu.

photo-1695973281843
 

Viêm phế quản là bệnh lý nhiễm trùng hô hấp thường gặp.

Phần lớn các trường hợp viêm phế quản cấp do căn nguyên virus. Trường hợp này, dùng kháng sinh không có tác dụng. Chỉ nên dùng kháng sinh cho các trường hợp viêm phế quản cấp có kèm theo bệnh mạn tính ở tim, phổi, gan, thận, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch. Viêm phế quản cấp cũng thường liên quan nhiều tới tình trạng dùng kháng sinh không phù hợp.

Bệnh nhân nên uống nhiều nước giúp cải thiện việc ho, khạc đờm. Việc sử dụng thuốc giảm ho trong điều trị viêm phế quản cấp có thể làm giảm việc bài tiết đờm, do vậy làm kéo dài sự tiến triển của bệnh.

2. Tác dụng của bách bộ

Vị thuốc bách bộ trong Đông y là rễ phơi hay sấy khô của cây bách bộ, tên khoa học là Stemona tuberosa Lour, là một thứ cây leo, thân nhỏ nhẵn. Lá thường mọc đối, hình trái tim, trên mặt lá ngoài gân chính còn có những gân phụ chạy dọc từ cuống lá đến đầu lá và có những gân ngang nhỏ và rõ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, màu vàng đỏ. Quả nang có 4 hạt. Rễ củ gồm 10-20 hoặc 30 củ, có khi tới 100 củ dài 15-20cm, đường kính 1,5-2cm, màu trắng vàng.

Theo Đông y, bách bộ có vị đắng ngọt, tính hơi ấm; vào kinh Phế; có tác dụng ôn nhuận phế khí, chỉ khái và sát trùng; dùng chữa chứng ho do phong hàn, ho gà, ho lao, viêm phế quản, hen suyễn.

Kết quả nghiên dược lý hiện đại cho thấy, nước sắc củ bách bộ có tác dụng làm giảm độ hưng phấn của trung khu hô hấp, ức chế phản xạ ho, do đó có tác dụng chữa ho. Cao nước bách bộ có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn ở ruột già và có tác dụng kháng sinh đối với vi trùng bệnh lỵ và phó thương hàn.

photo-1695973283250

Vị thuốc bách bộ chữa viêm phế quản, chứng ho do phong hàn.

3. Một số bài thuốc chữa viêm phế quản cấp tính

- Chữa ho do cảm lạnh: Bách bộ 12g, kinh giới 8g, cát cánh 8g, cam thảo 6g, gừng tươi 6g; sắc uống trong ngày.

- Chữa viêm phế quản có ho khan, phiền táo, đại tiện bí: Bách bộ khô 120g, mật ong 150g. Bách bộ tán thành bột trộn với mật ong rồi đem hấp cách thủy trong 1 giờ, sau đó đem sấy khô, đựng trong lọ kín dùng dần. Uống mỗi lần 10g với nước ấm, ngày 3 lần,

Chữa ho lâu ngàysốt về chiều, ngạt mũi, đau cổ gáy: Bách bộ, ý dĩ, bách hợp, mạch môn đông, mỗi vị 12g; tang bạch bì, bạch phục linh, sa sâm, địa cốt bì, mỗi vị 6g; sắc nước uống.

- Chữa ho gà:

+ Độc vị: Bách bộ 250g sắc với 1200 ml nước, sắc kỹ nhỏ lửa còn 600ml. Có thể thêm đường, bảo quản dùng dần. Ngày uống 3 lần, trẻ nhỏ trên 2 tuổi mỗi lần uống 10-15ml, dưới 2 tuổi mỗi lần uống 2-5ml, liên tục trong 10 ngày.

+ Phối hợp: Bách bộ 50g, hạnh nhân 20g, cát cánh 20g; thêm nước 700ml, sắc lấy 350ml, thêm 60g đường trắng vào hòa đều; ngày uống 3 lần. Trẻ dưới 1 tuổi mỗi lần uống 4 ml, từ 1-3 tuổi mỗi lần uống 6ml, từ 3-6 tuổi mỗi lần uống 9ml, từ 7-10 tuổi mỗi lần uống 15ml, người lớn mỗi lần uống 20 ml; khi uống hòa thêm chút nước ấm; uống liên tục trong 7-10 ngày.

- Chữa viêm họng, ho có đờm, viêm phế quản mạn tính: Dùng bách bộ 20g, sắc hai lần, hợp hai nước cô đặc lại còn 60ml; chia làm 3 phần uống trong ngày.

4. Các biện pháp phòng tránh bệnh viêm phế quản

  • Vệ sinh răng miệng tốt.
  • Loại bỏ yếu tố kích thích như không hút thuốc lá, đeo khẩu trang tránh khói bụi trong môi trường ô nhiễm, giữ ấm vào mùa lạnh.
  • Điều trị các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch.
  • Tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn tính.
  • Khi mắc bệnh viêm phế quản, người bệnh nên điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm...

Theo suckhoedoisong.vn