Theo Express, đau tim xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn - thường do cục máu đông. Mặc dù dấu hiệu phổ biến nhất của cơn đau tim là đau ngực, nhưng điều này không phải lúc nào cũng ảnh hưởng đến mọi bệnh nhân. Một số người không biết mình đang đối mặt với nguy cơ của cơn đau tim.
Một người sống sót sau cơn đau tim đã chia sẻ câu chuyện của mình thông qua Chest Heart and Stroke Scotland (CHSS). Ông John, tài xế xe tải 62 tuổi, chia sẻ về triệu chứng duy nhất kéo dài vài phút.
“Tôi từng nghĩ một cơn đau tim sẽ giống như búa tạ đập vào ngực bạn, dữ dội đến mức bạn phải ôm ngực và ngã xuống đất. Nhưng tôi chỉ cảm thấy nóng và toát mồ hôi trong vài phút”, ông John nhớ lại.
Lúc đó, ông John đang lái xe trên đường ở Scotland. Ông tạt vào lề đường và nghỉ ngơi trong 20 phút trước khi tiếp tục khởi hành.
Một năm sau, bác sĩ mới khẳng định ông John đã trải qua cơn đau tim. Ông John nói thêm: “Tôi hoàn toàn bị sốc. Tôi không biết rằng bạn có thể bị đau tim mà không nhận ra điều đó”.
Theo CHSS, cơn đau tim có thể để lại những triệu chứng không rõ ràng khác bao gồm ốm, trông xám xịt và xanh xao, cảm giác mệt mỏi và sợ hãi.
Dấu hiệu phổ biến nhất của cơn đau tim là biểu hiện đau ngực không biến mất, như bị đè ép, thắt chặt hoặc bóp chặt. Cảm giác này thường bắt đầu ở giữa ngực và có thể lan đến cổ, hàm, tai, cánh tay hoặc cổ tay.
“Mặc dù đây là dấu hiệu phổ biến nhất, nhưng không phải ai cũng trải qua nó”, CHSS nói.
Các triệu chứng khác có thể cho thấy bạn đang bị đau tim bao gồm:
- Đau ở cổ, hàm, lưng lan xuống cánh tay trái hoặc xuống cả hai tay
- Đổ mồ hôi và người nhớp nháp
- Bồn chồn, lo lắng
- Khó thở
- Chóng mặt
Các triệu chứng của cơn đau tim ở nam và nữ thường khác nhau. Phụ nữ ít có khả năng cảm thấy đau ngực hơn. Bệnh mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn đau tim.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành bao gồm hút thuốc, chế độ ăn nhiều chất béo, bệnh tiểu đường, cholesterol cao, huyết áp cao, thừa cân hoặc béo phì.
Theo vietnamnet