|
|
Những biểu hiện của trầm cảm cười. Ảnh: Theo Healthshots. |
Trầm cảm cười là gì?
Trầm cảm cười (Smiling Depression) là chứng trầm cảm chức năng cao hay còn gọi là rối loạn trầm cảm kéo dài. Đây là một dạng rối loạn cảm xúc đặc biệt, mọi suy nghĩ và cảm xúc thật bên trong đều đã được che giấu bởi nụ cười và thái độ sống tích cực. Mặc dù vẻ ngoài luôn lạc quan, hạnh phúc nhưng bản thân người bệnh phải đấu tranh tư tưởng, giằng xé nội tâm, vật lộn với những mặc cảm, tội lỗi và bi quan về tương lai.
Mặc dù chứng trầm cảm cười không được liệt kê trong sổ tay chẩn đoán các rối loạn tâm thần, nhưng đây là một tình trạng khá phổ biến.
Triệu chứng ngầm của trầm cảm cười
Các triệu chứng ngầm thường gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng trầm cảm cười bao gồm:
Buồn bã, chán nản kéo dài.
Thay đổi khẩu vị, cân nặng, rối loạn giấc ngủ.
Mệt mỏi, thờ ơ với mọi thứ.
Tuyệt vọng, tự ti, tự hạ thấp giá trị bản thân.
Mất hứng thú với những việc từng yêu thích.
Năng lượng sống cực kỳ thấp.
Một người mắc chứng trầm cảm cười có thể trải qua một số hoặc tất cả các biểu hiện trên. Nhưng ở nơi công cộng, các triệu chứng này hầu như không được bộc lộ ra bên ngoài. Trong mắt người khác, người mắc chứng trầm cảm cười có vẻ là một người năng động, vui vẻ, lạc quan, có một công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc. Bởi vậy, các triệu chứng ngầm của hội chứng trầm cảm cười rất khó để nhận ra.
Ai có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cười?
Theo một nghiên cứu của Centre for Addiction and Mental Health thực hiện, trầm cảm cười thường xảy ra khi một người muốn che dấu cảm xúc bên trong của họ để cố gắng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống bên ngoài. Những người có nguy cơ mắc trầm cảm cười:
- Những người thường xuyên sử dụng chất gây nghiện.
- Người vừa trải qua đổ vỡ tình cảm hoặc có sự thay đổi, mất mát đột ngột trong cuộc sống.
- Thường xuyên nhìn người khác hạnh phúc, hòa hợp và hài lòng với cuộc sống cũng có thể gây ra chứng trầm cảm cười.
- Một nghiên cứu được công bố trên Cyberpsychology, behavior and Social Networking cho thấy, dành quá nhiều thời gian dùng các trang mạng xã hội cũng có thể dẫn đến trầm cảm, lo lắng.
Theo laodong