1. Nguyên nhân rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể vô hại nhưng đa phần nó là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị sớm.

Nguyên nhân rối loạn nhịp tim thông thường do những bất thường hoặc bệnh lý của tim gây ra như các bệnh lý tim mạch: bệnh cơ tim, suy tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh động mạch vành…

Những nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến nhịp tim như tuổi tác, người càng cao tuổi nguy cơ càng cao, người mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa như huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu, các bệnh lý tuyến giáp, lạm dụng chất kích thích… Rối loạn nhịp tim cũng thường gặp ở những bệnh nhân bị mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm.

Trên thực tế ghi nhận, rối loạn nhịp tim là nguyên nhân của rất nhiều trường hợp đột tử. Tình trạng rối loạn nhịp có thể xảy ra từng lúc thoáng qua chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim lại kéo dài nhiều giờ, thậm chí liên tục trong nhiều năm.

Triệu chứng nào mách bảo bạn đang bị rối loạn nhịp tim? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa các mức độ nhịp tim

2. Biểu hiện rối loạn nhịp tim

Triệu chứng của bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim rất đa dạng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhưng hoàn toàn không có biểu hiện nào hoặc các biểu hiện khá mơ hồ.

– Đối với trường hợp loạn nhịp tim nhiều khi không gây triệu chứng. Trong trường hợp nhịp tim quá chậm, người bệnh có thể bị chóng mặt hoặc ngất và xuất hiện các triệu chứng của suy tim như khó thở, phù mắt cá chân… Khi nhịp tim quá nhanh, các triệu chứng như trên cũng có thể xuất hiện do các buồng tâm thất không đủ thời gian giãn ra để đổ đầy máu.

– Trường hợp cảm giác đánh trống ngực: Là khi chúng ta cảm thấy quả tim mình đang đập mạnh. Đây là biểu hiện thường gặp nhất của loạn nhịp tim, mặc dù dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay cả khi quả tim đang làm việc hoàn toàn bình thường. Đánh trống ngực do rối loạn nhịp tim có thể được mô tả rất khác nhau:

Người bệnh có cảm giác "hẫng hụt", xuất hiện khi có một nhát bóp đến sớm. Do thời gian được đổ đầy máu ngắn (lượng máu về buồng thất ít), nên nhát bóp của tim chỉ bơm được một lượng máu rất ít khiến người bệnh cảm thấy hẫng hụt.

Một số người có cảm giác tim bị ngưng vài giây, thường theo sau bởi một nhịp đập mạnh, đôi khi như thể bị "đấm" vào ngực. Đây là biểu hiện của một lượng máu lớn được bơm ra khỏi quả tim sau thời gian đổ đầy dài hơn bình thường do tim ngưng đập trong chốc lát. Hoặc nhiều cảm giác "hẫng hụt" liên tiếp, có thể đều hoặc không đều.

Dường như không thể xác định được chính xác loại rối loạn nhịp tim nếu chỉ dựa vào cảm giác đánh trống ngực mà nó gây ra. Hơn nữa, đôi khi một người có thể có nhiều loại loạn nhịp khác nhau và thông thường họ không thể phân biệt được sự khác nhau giữa chúng.

– Trường hợp thấy tim đập nhanh: Thường thấy trong rối loạn nhịp tim nhanh, và cũng là triệu chứng phổ biến khiến bệnh nhân đi khám bệnh.

– Trường hợp thấy mệt và cảm giác khó thở: Đây là biểu hiện thường gặp của nhiều loại loạn nhịp, tuy nhiên nó lại là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau.

- Ngất xỉu: Đây là triệu chứng nặng nhất của rối loạn nhịp tim đe dọa đến tính mạng người bệnh. Triệu chứng này cảnh báo bệnh tim nặng và đáng lo ngại vì nó có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng như ngất xỉu khi đang lái xe, leo cầu thang. Nếu bệnh nhân bỗng nhiên bị ngất thì cần phải tìm rõ nguyên nhân để xử trí điều trị bệnh sớm.

Trên thực tế các biểu hiện của rối loạn nhịp tin không riêng biệt mà nhiều người bệnh có biểu hiện triệu chứng đan xen lẫn nhau như: Xuất hiện các cơn khó thở, thở ngắn, hồi hộp, lo lắng; Đánh trống ngực, tim đập mạnh trong lồng ngực kèm theo hụt hẫng; Choáng váng, chóng mặt, xây xẩm, cảm giác mất cân bằng; Có cảm giác tim ngừng đập một vài giây rồi đập mạnh trở lại; Đau tức ngực, có cảm giác ngực bị đè nén; Người mệt mỏi, yếu do hoạt động bơm máu của tim kém hiệu quả.

photo-1678322769618
 

Một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng rối loạn nhịp tim

3. Lời khuyên thầy thuốc

Để phát hiện sớm ra rối loạn nhịp tim cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát tim mạch 6 tháng hoặc ít nhất là 1 năm/1 lần để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn. Kiểm soát huyết áp, lượng cholesterol trong cơ thể.

Chúng ta cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị tốt các bệnh lý nguy cơ.

Ăn ít muối, sử dụng các nhóm thực phẩm tốt cho tim như trái cây, rau, ngũ cốc, cá… Cần hạn chế tối đa các thực phẩm chứa chất béo bão hòa và thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.

Có lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, không thức khuya, loại bỏ các chất kích thích ra khỏi cuộc sống.

Rối loạn nhịp có biểu hiện đặc trưng là nhịp tim đập bất thường, quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm.

Trong rối loạn nhịp tim, rối loạn nhịp nhanh thường gây nguy hiểm hơn cho người bệnh. Tất cả các vấn đề về rối loạn nhịp tim đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, đối với những trường hợp rối loạn nhịp tim nặng, tim ngừng đập sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào.

Theo suckhoedoisong.vn