leftcenterrightdel
 Có bao nhiêu ca sinh nở may mắn như thế này và bao nhiêu phải chấp nhận sự sàng lọc khắc nghiệt của tự nhiên? (Nguồn ảnh: Facebook)

Từ một vài trường hợp như "chuyện lạ đó đây" từng xảy ra trên thế giới, phong trào "sinh con thuận tự nhiên" (hay còn gọi là sinh sen, liên sinh) đã hình thành và ngày càng lan rộng.

Những người mẹ theo phong trào này được khuyến khích sinh con tại nhà, có hoặc không có bà mụ (thường cũng không phải là cán bộ y tế được đào tạo chuyên nghiệp); được khuyên không cắt dây rốn và để bánh nhau vào thau muối cho tự khô và tự rụng.

Nhiều biến chứng, tai nạn chết người đã xảy ra. Báo Phụ Nữ TPHCM đã có chuyên đề Trào lưu sinh con nguy hiểm đang "sống lại" với các bằng chứng, sự việc cụ thể. Thế nhưng mới đây nhất, hình ảnh một người mẹ được cho là ở Đắk Lắk sinh con tại nhà lan truyền trên mạng xã hội, tiếp tục khiến nhiều người hốt hoảng và các bác sĩ phải lên tiếng.

Trước những lời chỉ trích từ cộng đồng, các "ủng hộ viên" của phong trào sinh con thuận tự nhiên vẫn khuyên nhau hãy tiếp tục "làm điều đúng đắn" cho con của họ - tự sinh con không cần sự can thiệp y tế.

'Lotus birth hay sinh sen, liên sinh thực ra không liên quan gì đến hoa hay lá sen, mà xuất phát từ tên của bà Clair Lotus - người khởi xướng phương pháp này.
'Lotus birth" hay "sinh sen", "liên sinh" thực ra không liên quan gì đến hoa hay lá sen, mà xuất phát từ tên của bà Clair Lotus - người khởi xướng phương pháp này.

Không dám lao vào cuộc bàn phím chiến ấy, tôi xin kể câu chuyện của chính mình và chuyện ở gia đình tôi.

Theo lời người lớn kể lại, hôm sinh tôi, gần nửa thế kỷ trước, mẹ tôi dù “chửa vượt mặt” vẫn phải đi cấy đến khi trời tối mịt, sau đó còn phải đi họp hợp tác xã. Hơn 3 giờ sáng, bằng một linh cảm nào đấy, mẹ nhờ chị tôi chạy sang nhà nội (cách nhà chỉ gần trăm mét) cầu cứu. Gần 1 giờ sau đó, tôi chào đời trong vòng tay của bà. Ở quê tôi thuở ấy, trạm xá cách nhà hơn 10km, phương tiện di chuyển duy nhất là xe đạp trên đường ruộng. Mẹ tôi không có cơ hội nào đến được trạm xá, nói gì đến bệnh viện.

Tôi đã được sinh “thuận tự nhiên” như thế, nhưng không phải ai cũng được sao may mắn chiếu mạng như tôi. Vẫn theo lời người lớn kể, mẹ lớn tôi có cả thảy 6 người con, nhưng chị Hai, anh Ba, anh Bốn đều mất ngay khi vừa chào đời; mẹ lớn chỉ giữ được anh Năm, anh Sáu, chị Bảy. Số hóa tỷ lệ vượt cạn thuận tự nhiên thành công của mẹ lớn là 50%, 3/6 đứa trẻ đã chết vì sản phụ không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế.

Từ nhà mình và bản thân, tôi thực sự sợ hãi trước trào lưu sinh con thuận tự nhiên đang được nhiều người mẹ theo đuổi. Đúng, họ không vi phạm pháp luật nên không có bất cứ cơ sở nào để xử lý. Song tôi cũng tự hỏi, những người mẹ ấy đã dựa trên cơ sở nào để trao sinh mạng mình và con vào phương pháp “thuận tự nhiên”? Đã có bao nhiêu đứa trẻ chào đời theo phương pháp thuận tự nhiên và tỷ lệ thành công là bao nhiêu? Những đứa trẻ thuận tự nhiên ấy đã lớn lên như thế nào? Không có nghiên cứu, tài liệu nào trả lời những câu tôi vừa hỏi nên tôi đành quay về với kinh nghiệm thực tế của mình - với tỷ lệ 50% đầy đau đớn ở chính gia đình mình.

Hiện mọi ý kiến của giới khoa học, như chuyện muối sẽ hút nước từ bánh nhau, nguy cơ bánh nhau phân hủy, nhiễm trùng… thậm chí bằng chứng, thông tin về những cái chết của trẻ đều bị những người mẹ “thuận tự nhiên” bỏ ngoài tai.

Thật kỳ lạ khi chỉ từ một vài người tự xưng mình là “thầy” lại có thể dẫn dắt được một cộng đồng để rồi cộng đồng ấy từ chối mọi bước tiến của y học. Nghe có vẻ rất vô lý, nhưng khi xảy ra biến chứng, nhiều sản phụ thuận tự nhiên ấy lại tìm đến bệnh viện, thường là khi đã quá muộn.

Và tôi cũng muốn đặt câu hỏi cho những người cha. Quý vị sẵn lòng đặt cược sinh mạng vợ con mình cho sàng lọc tự nhiên - chỉ những đứa trẻ và người mẹ đủ mạnh mới được sống sót?

Theo phụ nữ TPHCM