Biểu hiện của viêm da cơ địa và nguyên nhân gây bệnh

Viêm da cơ địa ở trẻ dưới 2 tuổi tổn thương hay gặp là ở mặt, đôi khi gặp ở thân mình, cẳng chân, bàn chân, cánh tay và bàn tay. Ở những tuổi lớn hơn, bệnh hay gặp ở vùng nếp gấp như khuỷu, gối, cổ.

Bệnh gây ngứa, khiến cho trẻ thường xuyên cào gãi hoặc chà xát, làm hàng rào da thêm tổn thương, nhiễm trùng. Vì vậy, trẻ có thể ăn kém, khó ngủ. Nếu tình trạng này kéo dài, vùng da có thể trở nên Lichen hóa, có nghĩa dày, cứng và sẫm màu hơn.

Viêm da cơ địa ở người lớn thường là tổn thương mạn tính. Thương tổn điển hình là khô và bong tróc da, dày da (bác sĩ thường gọi là Lichen hóa) ở các nếp gấp lớn như khuỷu tay, đầu gối, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, một số trường hợp có thể viêm, xuất hiện mụn nước và chảy dịch. Bệnh thường nặng lên vào mùa đông.

Ngoài các dấu hiệu ngoài da, người bệnh thường kèm theo bị các bệnh dị ứng khác như: Hen phế quản, dị ứng thời tiết.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm da cơ địa như yếu tố di truyền, tổn thương hàng rào bảo vệ da... Trong đó, có các tác nhân bên ngoài làm bệnh khởi phát và nặng lên như: Dị nguyên (bụi nhà, phấn hoa, lông chó mèo), thức ăn (sữa, đậu phộng, lúa mỳ…), xà phòng… Đặc biệt, bệnh thường nặng lên khi khí hậu khô hanh.

photo-1669888861581
 

Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em. Ảnh minh hoạ.

Chăm sóc da viêm da cơ địa như thế nào?

Một số lời khuyên về chăm sóc da cho người mắc viêm da cơ địa từ bác sĩ da liễu:

1. Người mắc viêm da cơ địa cần thực hiện:

Thường xuyên vệ sinh da với nước ấm để làm giảm tình trạng khó chịu, loại bỏ các chất bẩn, vi khuẩn trên da. Lựa chọn những sản phẩm làm sạch phù hợp với da. Da người bình thường luôn giữ pH dao động quanh 5.5.

Các sản phẩm làm sạch bao gồm: Sữa tắm, chất tẩy rửa làm sạch da chuyên biệt dành riêng cho người bị viêm da cơ địa.

Đặc biệt, khi trời mùa đông không nên tắm nước quá nóng, vì sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, nên dùng nước hơi ấm (khoảng 36 độ C) thì sẽ tốt hơn. Tuyệt đối không tắm lá cây, vì nước lá gây khô da nhiều hơn, không đắp các loại lá lên da, vì có thể gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng, bỏng rát tại chỗ, càng làm nặng thêm tình trạng bệnh và gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Viêm da cơ địa khởi phát từ sự suy yếu của hàng rào bảo vệ da, dẫn đến da khô, ngứa và sự xâm nhập của các dị nguyên, vi khuẩn. Do vậy, điều trị viêm da cơ địa bằng dưỡng ẩm là một điều trị nền tảng trong các giai đoạn của bệnh.

photo-1669888867505
 

BSCKII Nguyễn Tiến Thành đang thăm khám cho bệnh nhân bị viêm da cơ địa.

Luôn luôn bôi kem dưỡng ẩm lên da ít nhất 2 lần/ngày, đặc biệt sau khi tắm, rửa tay sau 3 - 5 phút, đây là thời điểm tốt nhất để kem dưỡng ẩm thấm sâu và tạo hiệu quả trên da. Nên chọn sản phẩm dưỡng ẩm không chứa hương liệu và chất kích thích, sử dụng dưỡng ẩm đủ lượng.

Nếu thấy da khô hơn, ngứa hơn mặc dù đã dùng kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày, thì cần đi khám tại bệnh viện để bác sĩ thăm khám kịp thời và có sự kết hợp trong dùng thuốc để khắc phục tình trạng này.

2. Người mắc viêm da cơ địa cần lưu ý:

Chọn các trang phục phù hợp với làn da, đặc biệt là trang phục mềm mại, dịu nhẹ. Nên tránh các trang phục cứng, thấm hút kém, gây ngứa.

Giặt quần áo nên lựa chọn các sản phẩm ít chất tẩy rửa, không hương liệu, dùng lượng vừa đủ như khuyến cáo.

photo-1669888873160
 

Tổn thương viêm da cơ địa ở bàn tay.

Nên tránh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên: Không tiếp xúc với lông gia súc, gia cầm, bụi nhà, phấn hoa, khói thuốc lá...

Người bệnh không nên tự ra hiệu thuốc mua các loại thuốc bôi để điều trị viêm da cơ địa hoặc điều trị theo các đơn thuốc đã được kê trước đó, bệnh nhân phải được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa. 

Tùy từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ thêm vào các điều trị khác như: Thay đổi lối sống, thuốc chống viêm, giảm ngứa, giảm stress tâm lý và điều trị nhiễm trùng (nếu có) để cải thiện triệu chứng bệnh.

Theo suckhoedoisong.vn