leftcenterrightdel
Mỗi loại trứng chứa hàm lượng chất béo khác nhau. (Ảnh minh họa) 

Những quả trứng không chỉ thơm ngon mà còn giàu dinh dưỡng là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Có rất nhiều loại trứng để mọi người lựa chọn như trứng vịt, trứng gà, trứng ngỗng, trứng cút... đều là những loại quen thuộc. Tuy nhiên, nhiều người phân vân không biết nên chọn ăn loại nào để bổ dưỡng hơn.

Trên thực tế, các chất dinh dưỡng mà trứng gia cầm có thể cung cấp cho con người cũng giống như các loại thực phẩm khác, chủ yếu bao gồm chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng và chất bột đường. Tuy nhiên giữa các loại trứng trên quả thực có chút khác biệt, Chuyên gia dinh dưỡng người Trung Quốc Liu Suiqian sẽ giúp bạn tìm ra đâu là loại trứng bổ nhất dựa trên việc so sánh hàm lượng dinh dưỡng trong chúng.

Protein: Cao nhất trong trứng gà

Trứng là nguồn protein chất lượng cao, hàm lượng protein trong trứng thường trên 10%, lòng đỏ trứng có hàm lượng protein cao hơn lòng trắng trứng. Ví dụ hàm lượng protein trong cả quả trứng là khoảng 13,3%, lòng đỏ trứng là 15,2% và lòng trắng trứng là 11,6%.

leftcenterrightdel
Trứng gà có hàm lượng protein cao nhất. (Ảnh minh họa) 

Xét về hàm lượng protein trong các loại trứng thì trứng gà cao nhất, trung bình là 13,3g/100g; tiếp đến là trứng vịt và trứng cút, trung bình khoảng 12,6-12,8g/100g; trứng ngỗng là thấp nhất, khoảng 11,1g/100g.

Ngoài ra, thành phần axit amin của các loại trứng gia cầm khác nhau sẽ khác nhau, do đó có mùi vị và hương vị khác nhau. Ví dụ, các axit amin tạo vị ngọt (axit aspartic, axit glutamic, glyxin, alanin) trong trứng gà thấp hơn trứng cút nhưng lại cao hơn trứng ngỗng nên trứng ngỗng không tươi bằng trứng gà, trứng gà không tươi bằng trứng cút.

Chất béo: Hàm lượng axit béo không no trong trứng vịt cao

Dù là loại trứng gia cầm nào thì chất béo cũng tập trung chủ yếu ở lòng đỏ. Trứng nấu chín có mùi rất thơm, chủ yếu là do chất béo chứa trong lòng đỏ trứng, đặc biệt là axit béo không no. Trứng ngỗng, trứng vịt sau khi nấu dậy mùi thơm hơn trứng gà, điều này cũng là do hàm lượng chất béo trong lòng đỏ của hai loại trứng này cao hơn, hàm lượng axit béo không no cao.

Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy:

- Tổng hàm lượng axit béo, axit béo bão hòa, axit béo không bão hòa và axit béo không bão hòa đơn trong lòng đỏ trứng vịt là cao nhất.

- Tổng hàm lượng axit béo không bão hòa đa và hàm lượng axit béo omega-6 trong lòng đỏ trứng gà là cao nhất. Trứng gà cũng có hàm lượng cholesterol thấp nhất và tổng hàm lượng chất béo chỉ cao hơn một chút so với trứng cút.

- Hàm lượng axit béo omega-3 trong lòng đỏ trứng ngỗng là cao nhất, hàm lượng cholesterol trong trứng ngỗng cao hơn so với trứng gà và trứng vịt.

- Hàm lượng LDL (cholesterol xấu) và tỷ lệ axit béo không no omega-6/omega-3 trong lòng đỏ trứng cút cao nhất.

Mặc dù thành phần axit béo trong lòng đỏ trứng gia cầm khác nhau có liên quan đến thức ăn của chúng, nhưng thành phần này có tính đều đặn và ổn định nhất định. Vì vậy, xét về hàm lượng axit béo không no, trứng vịt là lựa chọn tốt hơn trong số các loại trứng gia cầm. Trứng gà cũng là một lựa chọn tốt nếu chúng được bổ sung axit béo không bão hòa đa DHA và EPA trong khẩu phần ăn (thức ăn hàng ngày mà gà ăn). Nếu xét về hàm lượng cholesterol, người bị tăng cholesterol máu lại thích hợp ăn trứng gà hơn.

Về tác dụng đối với sức khỏe của các loại axit béo khác nhau nêu trên đối với cơ thể con người như sau:

- Axit béo không bão hòa đơn có thể cải thiện mức cholesterol, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ;

- Axit béo không bão hòa đa đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh mạch vành, huyết áp cao, bất thường tự miễn dịch và các bệnh khác.

- Axit béo omega-3 và omega-6 cơ thể con người không thể tổng hợp được và cần phải lấy từ thực phẩm.

Mặc dù lòng đỏ của trứng gia cầm không phải là nguồn duy nhất cung cấp các axit béo này, nhưng ít nhất nó là một trong những nguồn rẻ và chất lượng cao.

Vitamin và khoáng chất: Chủ yếu có trong lòng đỏ trứng

Vitamin trong trứng gia cầm tập trung chủ yếu ở lòng đỏ, hàm lượng phong phú, đa dạng, gồm đầy đủ các loại vitamin nhóm B, vitamin A, D, E, K và vitamin C. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin trong lòng đỏ của mỗi loại trứng lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi phương pháp cho ăn và hàm lượng thức ăn hơn là bởi giống trứng.

Kali, natri, canxi, phốt pho, magiê, kẽm, sắt, selen, đồng, mangan,... là những khoáng chất có trong trứng gia cầm, và hầu hết chúng đều ẩn trong lòng đỏ trứng, điều này một lần nữa chứng tỏ tầm quan trọng của lòng đỏ trứng.

Dữ liệu thực nghiệm cho thấy hàm lượng các khoáng chất trên trong các loại trứng gia cầm khác nhau có rất ít sự khác biệt, không có tình trạng một loại chất dinh dưỡng nào đó ở giống này cao nổi trội còn giống kia lại cực thấp. Ví dụ vitamin B2 trong trứng cút có thể cao hơn trứng gà nhưng mức chênh lệch cũng rất nhỏ.

Đối với carbohydrate, hàm lượng carbohydrate trong trứng rất thấp, trung bình chỉ có 2-3g trên 100g nên về cơ bản là không đáng kể.

leftcenterrightdel
Hàm lượng vitamin trong các loại trứng không chênh lệch quá nhiều. (Ảnh minh họa) 

Tóm lại, trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng, trứng cút mặc dù hàm lượng dinh dưỡng cụ thể có một số khác biệt, nhưng về tổng thể, không có sự khác biệt cơ bản nào. Cho dù bạn ăn loại nào, sự khác biệt về dinh dưỡng không quá lớn. Nếu phải chọn loại tốt nhất trong số đó, xét về chất lượng, số lượng protein, hay hàm lượng axit béo và cholesterol, thì trứng gà là lựa chọn tốt nhất trong số tất cả các loại trứng gia cầm.

HOÀNG DƯƠNG