Với lịch sử lâu đời, đông y là thành tố quan trọng trong y học Trung Quốc. Bộ môn này từng nhiều lần được ứng dụng trong công tác chữa trị hiện đại.

Năm 2003, Trung Quốc từng dùng y học truyền thống trong điều trị hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS).

Khi đó, thống kê chính thức cho thấy thuốc đông y được dùng để điều trị hơn 3.100 ca bệnh được xác nhận, theo China Daily.

                   Trung Quốc tích cực nghiên cứu kết hợp đông - tây y trong điều trị Covid-19. Ảnh: Shutterstock.


Kết hợp dùng đông y để điều trị Covid-19 ở Vũ Hán


Từ những ngày đầu dịch, chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh việc sử dụng kết hợp thuốc đông y và tây y trong điều trị Covid-19.

Ngày 21/1/2020, nhóm chuyên gia đông y đầu tiên đặt chân đến tâm dịch Vũ Hán, bao gồm Liu Qingquan, giám đốc Bệnh viện Đông y Bắc Kinh.

Sau khi bắt mạch, xem lưỡi, và hỏi bệnh khoảng 70 người, nhóm chuyên gia kết luận nguyên nhân gây ra Covid-19 là “thấp tà” (nghĩa đen: sự ẩm thấp xấu), tức sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể, theo China Daily.

Ngày 22/1/2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố kế hoạch điều trị và chẩn đoán Covid-19 phiên bản thứ 3, trong đó bao gồm gợi ý kê đơn thuốc đông y.

Chỉ 5 ngày sau, nhà chức trách y tế hàng đầu Trung Quốc công bố phiên bản thứ 4 để bổ sung công thức đông y cụ thể cùng liều lượng.

Nhóm 8 bệnh nhân đầu tiên được điều trị kết hợp đông y và tây y đã rời bệnh viện Jinyintan tại Vũ Hán vào ngày 3/2/2020.

Mười ngày sau, chính phủ Trung Quốc tổ chức họp, qua đó kêu gọi tăng cường kết hợp đông - tây y, để đưa đông y vào sâu hơn trong toàn bộ quá trình chẩn đoán và chữa trị Covid-19.

50 bệnh nhân được đưa vào một bệnh viện lưu động tại quận Jiangxia, Vũ Hán. Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên có nhân viên đều tới từ các bệnh viện ứng dụng đông y, bác sĩ Liu, giám đốc Bệnh viện Đông y Bắc Kinh, nói.

Các chuyên gia đông y cho rằng độ ẩm và khí lạnh có thể giúp virus lây lan, nên việc giữ ấm là chìa khóa kiểm soát dịch bệnh.

 Một nhân viên y tế bắt mạch cho bệnh nhân Covid-19 với liệu pháp đông y tại Vũ Hán, thủ phủ Hồ Bắc vào ngày 25/2/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã.


Ông Liu cho biết các bác sĩ Trung Quốc đã ứng dụng một số phương pháp điều trị phương Tây, bao gồm thở oxy, để kéo dài thời gian cho bệnh nhân tự xây dựng lại hệ miễn dịch.

“Chìa khóa đánh bại virus vẫn là bệnh nhân. Nguyên tắc chữa trị của đông y không phải là tiêu diệt virus, mà là tăng cường hệ miễn dịch và sức kháng cự của bệnh nhân bằng nhiều phương pháp”, bác sĩ Liu nói, theo China Daily.

Tính đến tuần đầu tháng 3/2020, tại tỉnh Hồ Bắc, hơn 4.900 nhân viên y tế từ 600 bệnh viện đông y, cùng 5 đội ngũ y tế gồm 757 chuyên gia đông y từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, tham gia chữa trị cho bệnh nhân tại đây.

Phương thuốc đông y tỏ ra hiệu quả


Đầu tháng 6/2020, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố sách trắng với tựa đề “Cuộc chiến chống Covid-19: Trung Quốc hành động”.

Văn bản này cho biết thuốc và các bài thuốc thảo dược Trung Quốc đã được dùng để điều trị cho 92% bệnh nhân Covid-19 toàn quốc, theo China Daily. Tại tỉnh Hồ Bắc, tỉnh chịu hậu quả nặng nề nhất từ Covid-19, hơn 90% người bệnh được điều trị bằng những phương pháp đông y cho thấy hiệu quả.

Cục Quản lý Thuốc đông y quốc gia Trung Quốc (NATCM) cũng công bố 3 bài thuốc và 3 loại thuốc được chứng minh có hiệu quả trong chữa trị virus corona, gồm cả dạng uống và dạng tiêm. Mỗi loại được NATCM khuyến cáo sử dụng cho mỗi tình trạng bệnh khác nhau.

Chẳng hạn, một dạng viên hoàn đông y được Trung Quốc phát triển trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009 có 12 thành phần thảo dược như hoa kim ngân, bạc hà, cam thảo, hoàng cầm, ngưu bàng tử...

Loại viên hoàn này có tác dụng chữa bệnh nhân thể nhẹ và trung bình, đồng thời có thể cải thiện tốc độ hồi phục tế bào lympho và bạch cầu.

Một bài thuốc khác ở dạng canh bổ phổi có 21 thành phần thảo dược như ma hoàng, hạnh nhân, sinh thạch cao, quế chi, gừng sống, trần bì...

Dạng canh này chủ yếu có hiệu quả trong giảm triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, cũng như cải thiện tình trạng phổi ở bệnh nhân Covid-19 thể nặng.

Tong Xiaolin, nhà nghiên cứu chính tại Viện Khoa học Trung y Trung Quốc, cho biết trong số 1.261 bệnh nhân Covid-19 tại 10 tỉnh sử dụng các chỉ dẫn nói trên, 1.102 người hồi phục, 71 người có cải thiện, và không trường hợp nào trở nặng.

Gần đây, tháng 3, Cục Quản lý sản phẩm y tế Quốc gia Trung Quốc tiếp tục cho phép 3 bài thuốc đông y khác được bán ra thị trường để cung cấp nhiều lựa chọn hơn trong điều trị Covid-19.

Còn thiếu chứng cứ lâm sàng


Tuy được các bác sĩ và nhà chức trách Trung Quốc tung hô, đông y chưa thuyết phục được phương Tây về hiệu quả điều trị Covid-19.

Nghiên cứu cho thấy đông y có hiệu quả chữa cúm và SARS, nhưng hiện chưa có đủ chứng cứ thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên để kết luận đông y có hiệu quả điều trị Covid-19, chuyên gia nhận định.

“Có tiềm năng, nhưng chứng cứ lâm sàng còn khá yếu do thiếu dữ liệu lâm sàng”, Lu Weidong, giảng viên y khoa thuộc Đại học Y Harvard, nhận định. “Cần thêm nhiều cuộc thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên để xác định công hiệu của thảo dược Trung Quốc (trong điều trị Covid-19)”, theo South China Morning Post.

Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên được cho là tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu y học hiện đại. Trong dạng thử nghiệm này, bệnh nhân được phân ngẫu nhiên thành hai hoặc nhiều nhóm.

Mỗi nhóm được điều trị theo phương pháp khác nhau và bệnh nhân không biết mình thuộc nhóm nào.

                                      Một dược sĩ điều chế đông y tại tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: Tân Hoa Xã.


Theo các chuyên gia y học hiện đại như ông Lu, chỉ thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên mới có thể thiết lập quan hệ nhân quả giữa liệu pháp điều trị và kết quả.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 1/2020, ít nhất 170 thử nghiệm lâm sàng đã được đăng ký tại Trung Quốc để khám phá độ hiệu quả của đông y trong điều trị Covid-19, theo South China Morning Post.

Mười tháng sau, các nhà nghiên cứu mới chỉ có thể đăng được 2 nghiên cứu trong tạp chí quốc tế có sử dụng thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên.

Một trong 2 nghiên cứu ấy do Chung Nam Sơn, chuyên gia y tế hàng đầu tại Trung Quốc, dẫn dắt và được đăng vào tháng 5/2020 trên tập san học thuật Phytomedicine.

Nghiên cứu này xem xét tác động của một loại viên hoàn được điều chế từ 12 thành phần thảo dược như hoa kim ngân, bạc hà, cam thảo... có tác dụng cải thiện tốc độ hồi phục tế bào lympho và bạch cầu.

Trong nghiên cứu, 284 bệnh nhân Covid-19 được phân làm 2 nhóm. Một nhóm được uống đơn thuốc chủ yếu là tây y, nhóm còn lại được dùng kết hợp viên hoàn nói trên.

Nghiên cứu kết luận tốc độ hồi phục của nhóm có dùng viên hoàn nhanh hơn nhiều so với nhóm còn lại. Thời gian triệu chứng giảm cũng “ngắn hơn rõ rệt”.

Điều này được nhóm tác giả cho là bằng chứng cho thấy loại viên hoàn này có tác dụng làm suy giảm triệu chứng Covid-19.

Tuy nhiên, ông Lu chỉ ra rằng trong nghiên cứu này, mọi người tham gia là bệnh nhân thể nhẹ. Chỉ số tác động của Phytomedicine - con số thể hiện mức độ quan trọng của tạp chí này đối với ngành y - cũng chỉ là 4,3, mức tương đối thấp.

Trong khi đó, The Lancet, tạp chí y khoa lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới, có chỉ số tác động là 60,4.

Một hạn chế nữa là việc nghiên cứu của ông Chung không xem xét hiệu ứng giả dược. Đây là hiện tượng người bệnh được cho dùng loại thuốc vô thưởng vô phạt nhưng triệu chứng vẫn cải thiện.

Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là yếu tố tâm lý, như kỳ vọng hoặc niềm tin của người bệnh vào thuốc.

“Hiệu ứng giả dược có thể rất mãnh liệt”, Cheng Yung-chi, giáo sư dược lý học thuộc Trường Dược, Đại học Yale, nói với South China Morning Post. Ông Cheng cũng bổ sung rằng nhiều người bệnh có thể tự khỏi mà không cần chữa trị.

Theo Zing