Thói quen ăn chung mâm nhưng không dùng dụng cụ riêng để gắp thức ăn tại các nước phương Đông. Ảnh: Sixth Tone.
Những ngày gần đây, chính quyền Trung Quốc đã ban hành nhiều thông cáo khuyến khích người dân nên sử dụng bộ dụng cụ riêng để gắp, múc thức ăn (hay còn gọi là gongkuai gongshao) với mục đích ngăn chặn việc vô tình lây nhiễm virus.
Thói quen ăn chung mâm, dùng chung bát chấm là một phần văn hóa của nhiều nước phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc. Thông thường, những người ngồi chung một mâm cơm sẽ có thói quen dùng đũa ăn để gắp các món ăn được bày trong bát, đĩa đặt ở giữa bàn.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lo ngại rằng thói quen này sẽ khiến người dân có thể bị lây nhiễm chéo virus khi nhúng đũa và thìa ăn vào bát thức ăn chung.
Giữa tháng 3/2020, các nhà hàng ở Thanh Hải được phép hoạt động trở lại, kèm theo những quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, mỗi khách hàng phải được cung cấp bộ dụng cụ riêng dùng cho việc gắp thức ăn.
Ngay sau đó, nhiều cơ quan chức năng ở phía đông tỉnh Chiết Giang đã gửi thư yêu cầu các công ty thực phẩm phải cung cấp dụng cụ dùng riêng cho mỗi thực khách và khuyến khích người dân địa phương không nên sử dụng đũa ăn để gắp khi đến nhà hàng và cả ở nhà.
Tại Bắc Kinh và Thượng Hải, chính quyền địa phương đã xúc tiến việc sử dụng đũa và thìa riêng riêng thông qua áp phích, tờ rơi kể từ cuối tháng 2.
Một ngày sau khi thông báo của chính quyền Thượng Hải được ban hành, 100 nhà hàng trong thành phố đã cam kết sẽ tiến hành theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, hoặc đổi cách phục vụ khác nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh là cung cấp cho mỗi thực khách những đĩa thức ăn riêng biệt.
Vào ngày 8/3, thành phố Thái Châu cũng đã ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết về việc phục vụ các đồ dùng chung, riêng và yêu cầu các nhà hàng phải dán nhãn rõ ràng hoặc dùng mã màu để phân biệt đũa chính, đũa phụ. Một quận ở phía tây nam Thành Đô đã ban hành các hướng dẫn tương tự.
Quy định mới được phần đông dân chúng đón nhận, tuy nhiên nhiều người vẫn phàn nàn vì cách phục vụ này khiến họ cảm thấy khó khăn trong việc thay đổi thói quen ăn uống.
“Khi gia đình tôi bắt đầu áp dụng hình thức ăn uống mới này, thật khó để thuyết phục mẹ chồng làm theo, bởi vì bà cho rằng việc dùng đũa phụ để gắp thức ăn như vậy là xa cách, trái với quy tắc xã hội”, Zhan (Bắc Kinh, Trung Quốc) nói với Beijing Daily.
Zhan cho biết thêm vài ngày đầu, những lớn tuổi cảm thấy khó làm quen với dụng cụ bàn ăn chung và riêng, họ cảm thấy việc này đang tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Nhưng sau một tuần, mọi người dần quen với quy tắc mới.
Theo Sixth Tone, các phương tiện truyền thông cũng liên tục khuyến khích công chúng áp dụng thói quen mới. An toàn vệ sinh thực phẩm là một phần quan trọng của sức khỏe cộng đồng.
“Với ngành công nghiệp thực phẩm đang được hoạt động trở lại, việc tạo thói quen vệ sinh trên bàn ăn và duy trì tốt việc này trở thành một vấn đề thực sự đối với chúng ta. Nó có liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của mọi người và nó cũng là một trách nhiệm cá nhân trong đại dịch”, một độc giả nói với Guangming Daily.
Theo news.zing