Tự kỷ là tật hay bệnh?
Cập nhật lúc 22:36, Thứ tư, 07/08/2019 (GMT+7)
Hiện nay người tự kỷ dường như không được hưởng các chính sách đối với người khuyết tật, và theo đại biểu quốc hội, đây là vấn đề lớn cần quan tâm.
Trẻ mắc hội chứng tự kỷ tại buổi giao lưu cùng các chuyên gia tâm lý và bạn bè cùng trang lứa nhằm giúp cộng đồng nhận thức tốt hơn về hội chứng này - Ảnh: A LỘC
Trong khi Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định người mắc chứng tự kỷ được công nhận là một dạng khuyết tật được hưởng chính sách trợ giúp của Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị coi tự kỷ là một loại bệnh.
Đây là nội dung đáng chú ý tại phiên điều trần được Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 6-8 với chủ đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật".
Đại biểu Đặng Thuần Phong nêu chất vấn: "Chúng ta có xem người tự kỷ là người khuyết tật hay không? Hiện nay, người tự kỷ dường như không được hưởng các chính sách đối với người khuyết tật. Đây là vấn đề lớn cần quan tâm, đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm của bộ trưởng?".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời: "Tôi khẳng định người tự kỷ là người khuyết tật, thời gian gần đây số lượng người tự kỷ gia tăng rất nhanh. Chúng tôi đã quy định trong thông tư 01 năm 2019, nhưng vì quy định mới quá nên chắc chưa triển khai triệt để được đến cơ sở".
Không nghĩ như Bộ trưởng Dung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nói: "Quan điểm cá nhân tôi thì người mắc chứng tự kỷ nên xếp vào đối tượng bệnh, không nên xếp vào đối tượng bị tật như quy định hiện nay. Hiện nay theo các nghiên cứu mới nhất thì người mắc chứng tự kỷ có khả năng là do gen, và nếu do gen thì chúng ta có thể nghiên cứu để chữa được".
Ông Đào Ngọc Dung - Ảnh: L.KIÊN
Quan điểm của ông Tiến không nhận được sự đồng tình của chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM Hoàng Thị Khánh. Bà lên tiếng: "Thứ trưởng nói về tự kỷ như vậy là sai. Tự kỷ là dạng khuyết tật chứ không phải bệnh.
Nói rằng tỉ lệ gần đây gia tăng cũng không đúng. Bởi vì trước đây chúng ta chưa quan tâm như hiện nay, các gia đình cũng chưa sẵn sàng, chủ động đưa các em đi khám nên chưa phát hiện, chưa thống kê. Gần đây có bệnh viện ở TP.HCM nói rằng số lượng các gia đình đưa trẻ đến để xác định mức độ tự kỷ cao gấp 100 lần trước đây".
Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc chăm lo cho người khuyết tật và trợ giúp người già thuộc trách nhiệm chính của Nhà nước, nếu có cấp nào đó hoặc ai đó coi đây là gánh nặng thì nhận thức này cần bị lên án.
6,5 triệu Đó là số người khuyết tật trên cả nước. Thực tế, số lượng người khuyết tật còn cao hơn rất nhiều so với số đang được hưởng chính sách hiện nay; nhiều trẻ em, người khuyết tật còn thiệt thòi. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngoài ra cả nước có hơn 11 triệu người già, mức trợ cấp 270.000 đồng/tháng đối với người già trên 80 tuổi không có thu nhập là mức quá thấp, cần phải thay đổi. |
Theo tuoitre