leftcenterrightdel
 Sự nổi tiếng của bộ phim Luật sư phi thường Woo Young Woo khiến mọi người quan tâm đến tự kỷ hơn. Ảnh:ENA

Câu chuyện thành đạt của các nhân vật thiệt thòi đang là xu hướng. Vì vậy, bộ phim Luật sư phi thường Woo Young Woo của Hàn Quốc thu hút rất nhiều sự quan tâm về chứng tự kỷ.

Bộ phim dài 16 tập nhận chỉ trích vì vẽ nên bức chân dung quá ảo tưởng khi cho rằng người mắc chứng tự kỷ đều là thiên tài. Câu chuyện này biến những hành vi rối loạn thần kinh thành điều dễ thương để đáp ứng tiêu chuẩn của xã hội.

Xã hội vận hành theo các tiêu chuẩn thần kinh điển hình nghĩa là các chức năng, hành vi và quá trình xử lý của não được coi là bình thường. Chứng tự kỷ lại thuộc về lĩnh vực đa dạng thần kinh chứ không phải tiêu chuẩn thần kinh do những người bệnh sẽ trải nghiệm thế giới theo nhiều cách khác.

leftcenterrightdel
 Bộ phim nhận về nhiều lời khen và cả lời chỉ trích. Ảnh:Paradisenews. 

Tuy nhiên, mặc dù nhận thức về đa dạng thần kinh ngày càng tăng, định kiến về người tự kỷ vẫn còn phổ biến. Phim ảnh cũng không là ngoại lệ. Một số người nói sự kỳ thị và thái độ tiêu cực của đồng nghiệp đối với luật sư Woo phản ánh sự đối xử đối với cộng đồng người tự kỷ trong thực tế.

Những nhân vật như Jung cũng như luật sư cấp dưới Kwon Min-woo, người ghen tị và phẫn nộ với Woo, cho thấy không phải ai cũng ngay lập tức chấp nhận người tự kỷ hoặc người mắc chứng loạn thần kinh khác.

Hơn nữa, mặc dù có thể có những người tự kỷ thành công, tình trạng của đa số còn lại phức tạp hơn nhiều. Hội chứng tự kỷ bác học rất hiếm, ước tính khoảng 10% người tự kỷ có khả năng như vậy. Một số tập trong Luật sư phi thường Woo Young Woo cố gắng thể hiện điều này.

Trong một tập phim cô Woo gặp khách hàng cũng là người tự kỷ, mẹ khách hàng đó nói bà thấy bối rối khi nhìn thấy con trai mình và cô Woo đều bị tự kỷ nhưng lại khác nhau. Sau đó, bà phát hiện hầu hết người tự kỷ đều giống như con trai mình.

Cô Woo cũng thường xuyên nói về sự khó khăn để hiểu người khác, cũng như việc cô ấy ghét làm người khác thấy cô đơn. Nhìn từ ngoài vào, cô Woo trông như thể rất vui vẻ nhưng cô hoàn toàn nhận thức được mình không phù hợp với xã hội.

Sự phức tạp trong cách khắc họa người tự kỷ

Luật sư phi thường Woo Young Woo là nỗ lực đáng khen ngợi vì đã đa dạng hóa cách truyền thông khắc họa chứng tự kỷ hiện nay. Theo truyền thống, các cá nhân tự kỷ được miêu tả là phát triển thần kinh kém và cần người chăm sóc để hoàn thành những công việc đơn giản nhất.

Để phản bác lại câu chuyện này, nhiều người tìm cách trao quyền cho người tự kỷ bằng cách tập trung vào những câu chuyện về người tự kỷ đạt được thành công như luật sư Woo nhờ vào năng lực khác biệt.

Với cách miêu tả này, tự kỷ như một siêu năng lực giúp người bệnh thành đạt chứ không phải thứ cản trở họ. Nó cũng làm tăng nhận thức về chứng loạn thần kinh và hướng dẫn người xem cách hỗ trợ những người như vậy trong môi trường làm việc.

leftcenterrightdel
 Nhiều người quên những khó khăn tự kỷ gây ra với người bệnh vì truyền thông khắc họa tự kỷ như một dạng tài năng. Ảnh:Centerforautism. 

Nhưng những câu chuyện kể màu hồng này làm lu mờ khó khăn mà người tự kỷ và người thân phải vật lộn. Điều này trở nên đáng sợ thay vì truyền cảm hứng. Nó có thể làm trầm trọng hơn quan niệm sai lầm của xã hội.

Theo trang web của Viện Sức khỏe Tâm thần, khoảng một trong số 150 trẻ em ở Singapore mắc tự kỷ và 5% trẻ em bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Trong tháng nâng cao nhận thức về tự kỷ (tháng 4) năm ngoái, cô Grace Yeoh, nhà báo cấp cao tại Channel NewsAsia, và đồng nghiệp nghiên cứu một số bài báo về người tự kỷ. Họ phát hiện có 2 ý kiến chính về vấn đề này.

Nhóm một ủng hộ xã hội nên coi tự kỷ như “sự khác biệt về khả năng” thay vì một dạng khuyết tật. Đối với những cá nhân này, chứng tự kỷ là một phần cốt lõi trong bản sắc, vì vậy không thể tách cá nhân đó ra khỏi chứng tự kỷ. Điều này cũng thể hiện sự chấp nhận thực sự nghĩa là các cá nhân không cần cố điều chỉnh hành vi để phù hợp với tiêu chuẩn xã hội.

Nhóm còn lại có xu hướng thừa nhận việc mắc bệnh loạn thần kinh như chứng tự kỷ sẽ khiến họ bất lợi. Vì vậy, người bệnh nên điều chỉnh hành vi để phù hợp với tiêu chuẩn điển hình về thần kinh như học cách tương tác trong tình huống xã hội hoặc phát triển trí thông minh cảm xúc tốt hơn.

Việc ứng dụng những kỹ năng này có thể bị coi là “giả dối”. Điều này thường bị phản đối trong một số cộng đồng loạn thần kinh vì nó ngụ ý họ không thể sống thật. Nhưng thực tế, đây là cách để hòa hợp trong xã hội. Nó không chỉ là việc ép bản thân phù hợp với quy chuẩn xã hội mà còn giúp họ thoải mái hơn.

Kể từ khi đọc những bài báo đó, cô Grace Yeoh biết mình mắc chứng ADHD và cô biết mình nên chấp nhận cả 2 ý kiến vì chúng cũng giống cách người ADHD nhìn nhận bản thân.

Cô cũng nhận thức các chương trình như Luật sư phi thường Woo Young Woo chỉ đơn giản là bước đầu tiên hướng mọi người tới sự chấp nhận và hiểu biết nhiều hơn về tự kỷ. Bộ phim không đại diện cho tất cả người tự kỷ.

Câu chuyện truyền cảm hứng về người tự kỷ nên được nhìn nhận như thế nào?

Phương tiện truyền thông có thể tạo nên cách nhìn của mọi người với cộng đồng tự kỷ và cũng có thể điều chỉnh chúng. Những câu chuyện nên tập trung vẽ nên bức tranh thực tế, nhiều sắc thái về cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân như cách cư xử khó chịu hoặc sự trung thực thiếu tế nhị, đồng thời vẫn thể hiện được lợi thế của họ.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với ADHD và các tình trạng loạn thần kinh khác. Ví dụ, nhiều người vẫn có định kiến người ADHD học kém, quá bốc đồng hoặc dễ bị phân tâm. Mặc dù sự hiểu biết hời hợt này không hoàn toàn vô căn cứ, những câu chuyện gần đây có xu hướng bù đắp quá mức khuyết điểm trên bằng cách vẽ nên một bức tranh màu hồng về những điểm mạnh của ADHD - năng lượng vô tận, sự kiên trì, sáng tạo, óc hài hước và khả năng đa nhiệm.

Không phải ai bị ADHD cũng nhìn nhận tình trạng một cách tích cực như vậy. Gọi các đặc điểm của ADHD là “siêu năng lực” không xóa bỏ được sự thật là họ phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Việc đóng khung người loạn thần kinh như những người thông minh hoặc kẻ nổi loạn tài năng nghe có vẻ tuyệt nhưng không phải là sự chấp nhận mà họ mong muốn.

Chấp nhận không có nghĩa là chỉ khai thác thế mạnh. Xã hội phải thừa nhận và giúp họ khắc phục những điểm yếu thay vì làm họ xấu hổ. Chúng ta đều biết sự chấp nhận thực sự đến từ việc được nhìn nhận bởi con người thật chứ không đến từ mong muốn của người khác.

Theo zingnews