Tai nạn gãy cổ do cố tập yoga uốn dẻo không đúng cách

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái được cho là bị gãy xương cổ khi tập yoga, mặc dù có người hướng dẫn bên cạnh.

Theo BSCKI Y học Thể thao Ngô Đức Nhuân, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, gãy cổ trong tập yoga là trường hợp tai biến chấn thương nghiêm trọng. Tuy rất hiếm gặp nhưng nếu gặp phải thì đó là một thảm họa để lại di chứng vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc phải.

BSCKI Ngô Đức Nhuân cho biết, gãy cổ bản chất là gãy xương cột sống cổ. Đây là trạng thái nứt, vỡ của bất kỳ một trong bảy đốt sống ở cổ, xảy ra khi có một lực tác động đáng kể vào vùng đầu cổ. Cột sống cổ được cấu tạo bởi 7 đốt sống đầu tiên ghép lại với nhau, uốn hình chữ C.

Cột sống cổ được chia thành 2 phần là cột sống cổ cao và cột sống cổ thấp:

- Cột sống cổ cao gồm 2 đốt sống đầu tiên. Đốt số một gọi là đốt đội, đốt số hai gọi là đốt trục. Hai đốt này có nhiều trục xoay và cấu tạo khác biệt so với các đốt còn lại. 

- Cột sống cổ thấp gồm 5 đốt sống với cấu tạo thân đốt sống phía trước và cung đốt sống phía sau. 

Các đốt sống cổ có vai trò rất quan trọng giúp nâng đỡ đầu, kết nối đầu với vai và cơ thể. Các đốt sống cổ có phạm vi vận động rất lớn, giúp các hoạt động xoay cổ, gập cổ... Khi tập sai tư thế có thể gây chấn thương gãy đốt sống cổ, dẫn đến liệt toàn thân.

Từ vụ cô gái gãy cổ khi tập yoga uốn dẻo, chuyên gia cảnh báo những lưu ý tránh chấn thương khi tập luyện - Ảnh 1.

Chấn thương gãy cổ do tập luyện yoga sai cách. Ảnh cắt từ clip.

Các lưu ý khi tập yoga tránh chấn thương

BSCKI Ngô Đức Nhuân cho biết, tác dụng thiết thực của yoga là giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt, giảm đau, nâng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu tập sai cách sẽ gây ra phản tác dụng. Điển hình là người tập có thể gặp các biểu hiện như đau cổ, gáy, vai, lưng, giãn dây chằng, thậm chí thoát vị đĩa đệm đa tầng.

Để phòng phòng ngừa chấn thương do tập không đúng cách, người tập cần chú ý mình đang ở lứa tuổi nào để lựa chọn các tư thế yoga phù hợp. Đặc biệt, người trên 40 tuổi không nên tập luyện các bài tập uốn dẻo hoặc các tư thế khó như trồng cây chuối.

Từ vụ cô gái gãy cổ khi tập yoga uốn dẻo, chuyên gia cảnh báo những lưu ý tránh chấn thương khi tập luyện - Ảnh 2.

Tập yoga sai cách có thể phản tác dụng, dẫn đến chấn thương trong tập luyện.

Cùng với đó, BSCKI Ngô Đức Nhuân khuyến cáo người tập yoga cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Nên tập yoga dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên yoga có chuyên môn, kinh nghiệm.

- Tập yoga khi tâm lý thoải mái, môi trường yên tĩnh, thoáng mát.

- Chọn thời điểm tập luyện tốt nhất vào buổi sáng sớm khi mặt trời mọc và tốt nhất là sau bữa ăn từ 1-2 tiếng.

- Khởi động kỹ trước khi tập và cần nắm rõ các động tác yoga trong bài tập. Tránh tập yoga lúc cơ thể đang căng thẳng, mệt mỏi.

- Kiểm soát tốt hơi thở trong khi tập, nên tập thở ra hít vào bằng mũi.

- Người chấn thương cột sống, cao huyết áp hoặc đang điều trị bệnh mạn tính cần tham khảo bác sĩ trước khi tập một bài yoga bất kỳ.

Tập yoga có lợi cho sức khoẻ, nhưng đòi hỏi một quá trình dài và sự kiên nhẫn. Cấu trúc giải phẫu không phải ai cũng như ai, sức mạnh của cơ ở mỗi lứa tuổi là khác nhau. Không nên cố tập những động tác khó, không phù hợp. Việc này chỉ khiến người tập dễ rơi vào tình trạng tập yoga sai cách như đã nói trên. 

Theo suckhoedoisong.vn