Túi nâng ngực có bị vỡ khi đi máy bay?
Cập nhật lúc 16:26, Thứ bảy, 27/07/2019 (GMT+7)
Túi nâng ngực chỉ có thủng bởi vật nhọn, chứ khi đã đặt vào ngực thì việc "yêu đương", âu yếm hay va chạm khác... không thể làm túi ngực vỡ được.
Một ca phẫu thuật đặt túi nâng ngực
Thông tin ban đầu về việc chuyến bay VN1262 của Vietnam Airlines khởi hành sáng nay 26.7 từ TP.HCM đi Vinh đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng để cấp cứu cho một nữ hành khách bị vỡ túi ngực giả, khiến nhiều phụ nữ quan tâm, lo ngại.Chiều nay, theo thông tin PV Thanh Niên nắm được, hành khách nói trên không phải bị vỡ túi ngực giả. Một nguồn tin từ bệnh viện nơi hành khách trên được cấp cứu ở Đà Nẵng cũng cho biết bệnh nhân không phải bị vỡ túi ngực giả.
Trả lời Thanh Niên, PGS- TS Đỗ Quang Hùng, Tổng thư ký Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, nói: "Với túi ngực chỉ có thể bị thủng bởi vật nhọn đâm, tác động, chứ không thể vỡ bởi áp suất khi đi máy bay, điều này không thể xảy ra. Có thể người phụ nữ đó bị chảy máu sau một phẫu thuật nào đó ở vùng ngực".
Trước đó, người phụ nữ này đã đặt túi nâng ngực cách nay khoảng 1 năm; gần đây vùng ngực chảy xệ, nên quay lại TP.HCM để làm phẫu thuật treo cắt tuyến (nhằm thu gọn, cải thiện tình trạng xệ ngực). Sau phẫu thuật thì bị chảy máu.Một bác sĩ ở TP.HCM cho biết bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ treo cắt tuyến cần lưu ý là có thể chảy máu sau mổ, do đó cần phải theo dõi sát sau mổ.
Theo bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW (TP.HCM), trường hợp người phụ nữ đi máy bay chảy máy ở ngực khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp, có thể là người này bị chảy máu sau phẫu thuật, chứ không thể túi ngực bị vỡ.
Theo bác sĩ Tú Dung, túi ngực chỉ có thể bị thủng chứ không vỡ. Trường hợp thủng là do bị vật nhọn chọc trúng (như kim, móng tay) đâm trúng trong lúc thao tác đặt túi ngực.
"Trong nghề thẩm mỹ chưa hề nghe nói chuyện vỡ túi ngực do áp suất khi đi máy bay", bác sĩ Tú Dung nói.
Lưu ý sau khi phẫu thuật đặt túi ngực là chảy máu trong 48 giờ đầu sau phẫu thuật. Các dấu hiệu chảy máu có thể nhận biết đó là: Ngực căng to, bầm tím, đau nhức... Cần quay lại bác sĩ ngay để xử trí cầm máu.
Một ngày sau mổ đặt túi nâng ngực cần mặc áo định hình để giữ bầu ngực không rung lắc di động. Sau một tuần có thể vuốt ve bầu ngực nhưng không được "mạnh tay" vì có thể còn đau sau phẫu thuật.
Theo
Thanh Niên