Thực trạng già hóa dân số đang diễn ra trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặt ra những vấn đề, trong đó có vấn đề chăm sóc sức khỏe, chi phí y tế, sống khỏe mạnh...
Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già hóa từ cuối năm 2036.
Đó là thông tin được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu y học - xã hội, Viện Khoa học lao động và xã hội thảo luận tại hội thảo xoay quanh chủ đề về già hóa dân số tại TP.HCM vào hôm nay (29.11).
|
Khám bệnh cho một người cao tuổi
|
Theo các chuyên gia, tuổi thọ người Việt hiện tăng cao (73,6 tuổi - tính ở năm 2021). Tuy nhiên số năm sống khỏe mạnh của người cao tuổi lại không cao (bình quân là ở 60 tuổi). Đa phần người cao tuổi với gánh nặng bệnh kép, bệnh mạn tính không lây (tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường...).
Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn người cao tuổi có xu hướng không sống cùng con cái, họ muốn ở riêng, có cuộc sống độc lập. Nhưng nhiều người không có sự chuẩn bị trước cho mình một số điều kiện, nên họ gặp khó khăn, bị gánh nặng chi phí y tế khi ốm đau, khi cần chăm sóc sức khỏe...
Tuổi thọ tăng nên số người cao tuổi trong nước tăng từ 6,15 triệu người (năm 2011) lên 7,43 triệu người (năm 2020) và ước tính sẽ tăng nhanh, đạt 11,79 triệu người vào năm 2030.
Tỷ số dân số trong độ tuổi 15 - 64 tuổi so với dân số từ 65 tuổi trở lên giảm mạnh (giảm từ 10 lần năm 2011 xuống còn 8,9 lần năm 2020, và ước tính giảm mạnh còn 5,6 lần vào năm 2030).
Tuổi thọ tăng cao là đáng mừng, tuy nhiên cần đi kèm với tuổi thọ là số năm sống khỏe mạnh cũng tăng theo, đó là vấn đề được quan tâm.
Theo Thanh niên